Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-co-so/201210/23575-phu-nu-vung-cao-voi-viec-giu-gin-antt-394697/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-co-so/201210/23575-phu-nu-vung-cao-voi-viec-giu-gin-antt-394697/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phụ nữ vùng cao với việc giữ gìn ANTT - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 19/10/2012, 06:52 [GMT+7]
23575

Phụ nữ vùng cao với việc giữ gìn ANTT

Ở một địa phương vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn), việc nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội hết sức khó khăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức xã hội, vai trò của người phụ nữ đã được nâng cao, thực sự đóng góp một phần không thể thiếu trong việc gìn giữ ANTT trong mỗi bản làng.

Nghĩa Lâm là xã vùng cao của huyện Nghĩa Đàn, giáp ranh với huyện Như Xuân (Thanh Hoá) và có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Thanh, Thổ sinh sống tại 17 làng, bản. Trước kia, Nghĩa Lâm là địa phương nghèo, đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn, nhiều phong tục tập quán lạc hậu như mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại.

Trong gia đình, vai trò của người phụ nữ thường bị “lép vế” trong mọi việc. Tình trạng một số ông chồng hay uống rượu vẫn còn nên thường vô cớ chửi mắng, đánh đập vợ con gây mất ANTT ở khu dân cư. Cái đói, cái khát từ đó cũng đeo bám không ít gia đình, con cái phải bỏ học giữa chừng để theo bố mẹ lên nương rẫy hoặc đi làm mướn ở nơi khác. Cuộc sống đói nghèo đã kéo theo nhiều thói hư tật xấu len lỏi vào từng cụm dân cư nơi đây.

Trước thực trạng đó, tổ chức Hội phụ nữ xã đã chủ động tham mưu với chính quyền địa phương đề ra nhiều biện pháp đẩy lùi tệ nạn xã hội, tiến tới xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Trước hết, đó là việc thành lập câu lạc bộ (CLB) “Vì sự tiến bộ phụ nữ” dưới sự giúp đỡ của tổ chức AC - Thủy Điển phối hợp với Tỉnh hội thí điểm tại làng Tra vào năm 2009.
 
Phụ nữ xã Nghĩa Lâm tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao
 
Sau khi thành lập CLB, vai trò của người phụ nữ đã được nâng cao, đến nay đã có “sức sống” xuyên suốt trong từng gia đình, cụm dân cư và lan rộng tới các bản làng nơi đây.

Đặc biệt, sau khi được tuyên truyền, thuyết phục bằng các việc làm cụ thể như: Nhận thức rõ việc bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong mỗi gia đình; giúp chị em hiểu rõ về sức khỏe sinh sản và KHHGĐ; giải quyết nguyên nhân vướng mắc mâu thuẫn trong quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan; vận động chị em tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…

Qua đó, hiệu quả của CLB “Vì sự tiến bộ phụ nữ” đã thực sự đi sâu vào nhận thức của chị em, trong đó có cả những ông chồng cùng tham gia. Từ đó, lối sống văn hóa lành mạnh đã được phát triển thành phong trào sâu rộng tại các làng bản trên địa bàn toàn xã.

Từng cấp chi hội phụ nữ đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền nội dung của CLB vào các buổi sinh hoạt tập thể, tạo diễn đàn trao đổi cởi mở giải đáp những thắc mắc cho các chị em phụ nữ trong đời sống gia đình. Qua một thời gian, CLB đã thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, làm cho nếp sống văn hóa, xã hội ngày càng phát triển.

Cùng giúp nhau làm kinh tế, nhiều ông chồng đã hiểu rõ hơn vai trò của người phụ nữ không thể thiếu trong mỗi công việc của gia đình. Gắn xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư vững mạnh từ lời nói tới hành động, phát triển kinh tế do cấp hội phụ nữ nơi đây khởi xướng bước đầu đã đạt hiệu quả đáng mừng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Trương Thị Thanh, Chi hội trưởng Hội phụ nữ làng Tra, xã Nghĩa Lâm cho biết: “Làng Tra có 76% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cách trung tâm huyện lỵ gần 20 km. Trình độ dân trí của chị em hội viên còn thấp, vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu, đời sống gặp nhiều khó khăn nên nhiều nét văn hóa đẹp của đồng bào cũng bị mai một dần.

Nay làng Tra đã tổ chức được một đội văn nghệ, một đội bóng chuyền thu hút đông đảo chị em phụ nữ và cả những ông chồng cùng tham gia sau mỗi ngày lên nương, lên rẫy về.
 
Làng Tra còn thành lập 1 tổ hoà giải gồm chi hội trưởng phụ nữ cùng các thành viên được chị em tin tưởng bầu ra có nhiệm vụ vận động tuyên truyền các bộ luật đồng thời tư vấn hoà giải các vụ việc mâu thuẫn nảy sinh trong từng cặp vợ chồng”. Không chỉ ở làng Tra mà chuyện hàng xóm, láng giềng khơi dậy tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở Nghĩa Lâm đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, đời sống văn hoá tinh thần của người dân ở đây ngày một nâng cao. Đến nay, toàn xã có trên 75% gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, nhiều con em được học hành cao, 8/17 thôn bản được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" xã Nghĩa Lâm đang được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.

Bạo lực gia đình không còn là nỗi ám ảnh trong mỗi nếp nhà. Có được kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của người phụ nữ trong mỗi gia đình, sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nay, đời sống bà con ở đây đã dần thoát nghèo, cái ăn, cái mặc đang được no ấm từng ngày.

Ngọc Sơn
.