Thứ Tư, 25/11/2020, 09:55 [GMT+7]

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong trường học được ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm, chú trọng. Từ nội dung, cách thức tuyên truyền đều được đổi mới theo hướng ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu, sát thực và sinh động. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường và hình thành ý thức, thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn
Vào ngày 15/6, dư luận không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ khi xem đoạn clip kéo dài hơn 3 phút được đăng trên mạng xã hội, ghi lại cảnh 2 nữ sinh đánh đập 1 nữ sinh khác tại một khu rừng trên địa bàn xã Nam Thái, huyện Nam Đàn. Nguyên nhân sự việc bắt đầu từ xích mích giữa học sinh N.T.T.H. và N.T.K. (học sinh lớp 8C, Trường THCS Hưng Thái Nghĩa). Sau đó, nhóm của K. đã đưa em H. vào khu vực rừng núi thuộc địa bàn xã Nam Hưng, nơi có ít người qua lại và hành hung em H..
 
Vụ việc trên là một trong số những vụ việc gần đây về bạo lực học đường và vi phạm pháp luật của học sinh. Qua đó, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự hung hăng, côn đồ của một bộ phận thanh, thiếu niên, thực trạng vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên nói chung và học sinh nói riêng. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng thì tình trạng đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng hơn. Nguyên nhân là do mặt trái của việc internet phổ biến rộng rãi như các trò chơi bạo lực, tình trạng nghiện game… trong lứa tuổi học sinh ngày một nhiều hơn. Bản thân trẻ vị thành niên đang ở độ tuổi tâm sinh lý thay đổi, thích thể hiện bản ngã cái tôi, dễ đua đòi và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội… Mặc khác, một số gia đình chưa thực sự quan tâm tới việc quản lý, giáo dục con cái…
 
Trước thực trạng đó, thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Sở Giáo dục và Ðào tạo đã và đang thực hiện nhiều giải pháp trong việc đấu tranh ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật.  Trong đó, xác định vai trò quan trọng của việc tuyên truyền PBGDPL, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBGDPL trong các trường học; phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Ban An toàn giao thông tỉnh… thường xuyên quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền PBGDPL cho học sinh dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. 
 
Ngoài các nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Giao thông đường bộ, Luật An ninh mạng, Luật Phòng chống ma túy, phòng chống đuối nước; tệ nạn xã hội trong học đường, phòng - chống HIV/AIDS, giáo dục giới tính…thì nhiều đơn vị còn xây dựng thành công “Phiên tòa giả định” để thực hiện tuyên truyền pháp luật trực quan tại các trường THPT. Bên cạnh đó, các nhà trường còn tích hợp - lồng ghép, tích hợp tuyên truyền PBGDPL trong các buổi học chính khóa (môn Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý…), trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp với các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm và trò chơi; phát triển chương trình “tủ sách pháp luật” của nhà trường. Nhiều trường học cũng thành lập tổ tư vấn tâm lý do các thầy cô trong trường đảm nhận nhằm kịp thời nắm bắt tâm lý và giúp học sinh tháo gỡ trong những tình huống đặc biệt. Các thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm thường xuyên quan tâm, sát sao, hướng dẫn, tuyên truyền để học sinh hiểu rõ tác hại và nguy cơ của hành động mang tính chất bạo lực, nhất là bạo lực học đường.
 
Qua đó, góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Từ đó, các em dần dần hiểu và tự giác thực hiện tốt pháp luật, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên. Ðồng thời biết bảo vệ mình trước môi trường mạng, trước các hành vi bạo lực, xâm hại; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật vì mục tiêu phát triển toàn diện.
 
Thực tế, để giảm thiểu tình trạng thanh, thiếu niên, nhất là học sinh vi phạm pháp luật thì bên cạnh sự nỗ lực của ngành Giáo dục như công tác tuyên truyền PBGDPL thì rất cần sự chung tay, quan tâm sát sao hơn nữa của các bậc phụ huynh. 
.

THU THỦY

.