(Congannghean.vn)-Gần 15 năm trong nghề cũng là ngần ấy năm cô giáo Lê Thị Ánh Phượng bám bản, bám trường, gắn bó với học sinh huyện miền núi rẻo cao Quỳ Châu. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng càng gắn bó với học sinh vùng cao, cô càng thấy yêu nghề và muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho giáo dục miền núi. Cô Phượng luôn được các em học sinh của nhiều thế hệ yêu mến và kính trọng, được phụ huynh tin tưởng và bạn bè, đồng nghiệp quý mến.
Cô Lê Thị Ánh Phượng |
Cô Lê Thị Ánh Phượng (SN 1984) là giáo viên đã có gần 15 năm gắn bó với giáo dục miền núi, trong đó có 12 năm công tác tại Trường Tiểu học Châu Phong 2 (huyện Quỳ Châu) - ngôi trường có 100% là dân tộc Thái, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế thấp… Nhà cách trường gần 30 km, cô phải thường xuyên vượt qua quãng đường dài với những “ổ voi”, “ổ gà”, con dốc dài trơn trượt, những khe suối lởm chởm đá nhọn…Khó khăn vất vả như vậy nhưng cô vẫn bám bản, bám trường, dành hết công sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Cô Phượng chia sẻ, khi về nhận công tác tại Trường Tiểu học Châu Phong 2, cô được phân công làm Tổng phụ trách đội của nhà trường. Vừa “chân ướt chân ráo” ra trường nên đang còn nhiều bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, nơi đây khi ấy còn chưa có điện, đường sá đi lại thì khó khăn; phụ huynh thường đi rẫy, làm ăn xa, chưa quan tâm tới việc học hành của con em mình nên hầu như việc học và sinh hoạt của các em học sinh đều “khoán” cho giáo viên. Các em học sinh thì tiếng Kinh chưa thạo, giao tiếp còn rụt rè nên cô Phượng gặp rất nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn các em tham gia các hoạt động Đội.
Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, tâm huyết với nghề cũng như nhận được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, cô Phượng nhanh chóng bắt nhịp, tích cực, năng động và sáng tạo trong việc triển khai các phong trào để thu hút học sinh vào các hoạt động của liên đội nhà trường như phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào kế hoạch nhỏ… Đơn cử như phong trào Áo lụa tặng bà - Trần Quốc Toản, Áo xanh tình nguyện: cắt tóc, móng tay cho học sinh; xây dựng mô hình Thư viện xanh, di động cho học sinh đọc báo truyện hay thành lập các câu lạc bộ như: Nghi thức đội, Sao nhi đồng, Năng khiếu… Qua đó, tạo sân chơi bổ ích để thu hút các em học sinh đến với hoạt động Đội.
Bên cạnh công việc của Tổng phụ trách đội, cô Phượng còn là giáo viên năng nổ, đi đầu trong các hoạt động của nhà trường. Đặc biệt, trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cô đã cùng với Ban giám hiệu nhà trường vận động cán bộ, giáo viên quyên góp ủng hộ tiền mỗi tháng 50.000 - 100.000 đồng để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô còn xung phong tự nguyện quyên góp tiền và tham gia nấu ăn, trực trưa để tổ chức hoạt động “Bữa ăn tình thương” cho các em học sinh ở xa ăn bán trú tại trường. Đặc biệt, cô luôn cố gắng hết sức trong việc kêu gọi, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để được đến trường.
Cô Ánh Phượng chia sẻ, do học sinh trong trường 100% là người dân tộc thiểu số, đầu vào thấp hơn mức trung bình nên áp lực, trách nhiệm của người Tổng phụ trách đội cũng theo đó tăng lên. Cô phải kiên trì, từng bước uốn nắn cho các em để các em có thể tự tin, thoải mái thể hiện năng khiếu của bản thân trong các hoạt động. Đặc biệt, ngày nay thời đại 4.0, học sinh cũng được tiếp xúc sớm với nhiều loại hình văn hóa mới. Vì vậy, giáo viên Tổng phụ trách Đội cũng phải thay đổi, luôn tìm tòi, sáng tạo ra cách làm mới phù hợp. Đơn cử như bên cạnh các bài hát, múa tập thể truyền thống thì học sinh sẽ rất thích thú với những điệu nhảy sinh động hiện đại như flashmod, chachacha…
Với năng lực và những nỗ lực của bản thân, nhiều năm liên tục cô giáo Lê Thị Ánh Phượng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được các cấp, ngành tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Đặc biệt, năm nay cô vinh dự là 1 trong 2 giáo viên tỉnh Nghệ An được tôn vinh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc.
.