(Congannghean.vn)-Đã hơn 4 tháng nay, hình ảnh những người phụ nữ mang theo sách vở đến trường học vào mỗi buổi tối không còn xa lạ với người dân xã Cam Lâm, huyện Con Cuông. Họ là học viên lớp xóa mù chữ của bản Liên Hồng. Dù đã lớn tuổi, có người năm nay đã tròn 60 nhưng ở họ vẫn toát lên sự khát khao kiếm tìm con chữ.
Lớp học xóa mù chữ của chị em phụ nữ ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông |
Đến Trường Tiểu học xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tận mắt chứng kiến các thầy, cô giáo cầm tay chỉ từng nét chữ cho học viên ở lớp học xóa mù chữ mới thấy được nhiệt huyết, sự tận tụy với nghề của những người “gieo” chữ ở bản làng vùng cao. Hình ảnh các học viên ê a đánh vần, bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút viết từng con chữ, lẩm nhẩm từng phép tính khiến không ít người xúc động.
Bà Vi Thị Chiến năm nay đã tròn 60 tuổi, là học viên lớn tuổi nhất lớp chia sẻ, gia đình hoàn cảnh khó khăn, cho nên học dở lớp 1 bà bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ giúp bố mẹ lên nương làm rẫy, chăm em nhỏ. Kể từ đó, bà không còn biết đọc, biết viết. Bình thường phải 19 - 20 giờ hàng ngày bà mới xong việc nhà. Từ ngày có cán bộ Hội Phụ nữ, các thầy, cô giáo đến động viên, bà cố gắng thu xếp công việc gia đình tham gia lớp học đầy đủ để không bị mang tiếng là mù chữ.
“Trước đây, tôi thích học nhưng do hoàn cảnh gia đình không cho phép. Vì không biết chữ nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nay được tham gia lớp học xóa mù chữ, tôi rất vui và luôn cố gắng đi học đầy đủ, không nghỉ buổi nào”, bà Vi Thị Chiến bộc bạch.
Cũng như bà Chiến, chị Y Tan (23 tuổi), người dân tộc Xơ Đăng, Kon Tum về làm dâu tại xã Cam Lâm cũng không biết chữ. Về đây, chị đăng ký lớp học xóa mù chữ. Mỗi tối, chị thường đưa hai đứa con gái nhỏ đến lớp cùng mẹ. Đi học được hơn 4 tháng, đến nay chị đã biết đọc, biết viết tên mình, tên con gái, có thể ký tên mình không phải điểm chỉ nữa...
Lớp học xóa mù chữ do Hội Phụ nữ xã Cam Lâm phối hợp với Trường Tiểu học Cam Lâm tổ chức cho 23 phụ nữ của bản Liên Hồng. Các học viên được phát sách vở, bút và tài liệu học tập. Cứ từ 19 - 20 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, sau một ngày làm việc vất vả, các hội viên lại mang theo sách vở đến với lớp học này. Nhìn chung, các học viên đều rất ý thức và nghiêm túc trong học tập.
Thầy giáo Trần Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Lâm cho biết, khi Hội Phụ nữ xã đặt vấn đề phối hợp mở lớp xóa mù chữ cho chị em ở bản Liên Hồng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như bố trí giáo viên đồng hành cùng với các học viên.
Cũng theo các thầy, cô giáo trực tiếp dạy tại đây, phần lớn các học viên ở tuổi 40 - 50, có hoàn cảnh gia đình khác nhau nên việc dạy phải rất linh hoạt. “Người học cần gì chúng tôi đáp ứng cái đó. Có người muốn viết, có người muốn đọc, làm toán. Trong lớp này không có phương pháp cố định mà tùy vào từng bài học, sở thích người học, khả năng tiếp thu của học viên mà chúng tôi truyền đạt kiến thức phù hợp, tất nhiên phải xây dựng kế hoạch học tập theo đúng tinh thần chỉ đạo”, thầy giáo Trần Xuân Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Có thể thấy rằng, thời gian học tuy không dài nhưng với sự tận tâm, nhiệt huyết của các thầy, cô giáo, các học viên đã hoàn thành khóa học của mình. Đến nay, đa số học viên đều biết đọc, biết viết chữ, làm được các phép tính toán đơn giản. Và thông qua các lớp học như thế này, hội viên được nâng cao năng lực, trình độ văn hóa, từ đó, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
.