(Congannghean.vn)-Tháng 7 về lòng người như chùng lại. Mỗi chúng ta - thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình lại bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đến các anh hùng liệt sĩ, lớp cha anh đi trước đã cống hiến, hy sinh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo tàng Nghệ An những ngày trung tuần tháng 7 đón tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan. Cũng trong dịp này, đơn vị đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa” nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2020) như một sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập cho dân tộc. Gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày theo 2 chủ đề: Kỷ vật kháng chiến và tiếp lửa truyền thống đã đem đến cho người xem hiểu rõ hơn về cuộc sống của người lính nơi chiến trường, một cuộc sống khốc liệt, nhiều gian khổ, hy sinh nhưng luôn lấp lánh ý chí, khát vọng của tuổi trẻ đầy tươi sáng và giàu lý tưởng sống cao đẹp.
Những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, các nhân chứng lịch sử và đông đảo người dân đến với Bảo tàng Nghệ An để nhớ về một thời hoa lửa |
Trái tim tôi cũng đã nghẹn lại khi đọc đến những trang thư của liệt sĩ Nguyễn Trí Phước gửi cho vợ - chị Nguyễn Thị Hồng Minh, xóm Luân Phượng, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương (vào năm 1973). Trong thư là nỗi nhớ khắc khoải những ngày xa cách, chồng nhớ vợ, cha nhớ con da diết; là sự giằng xé trong anh khi đứa con gái bé bỏng của mình không nhận ra cha ruột khi mà trước đó anh được cấp trên cho về thăm nhà. Để rồi trong thư anh ao ước: “...Minh em! Anh nghĩ rằng nếu như Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha thì anh sẽ vui lòng cho phép Tuyết Mai gọi anh bằng chú bộ đội, để chú bộ đội Phước được gần gũi bên cháu Tuyết Mai dăm ba phút cho đỡ tủi lòng...”.
Ngoài những trang thư, hình ảnh của một thời hoa lửa được tái hiện qua những vật dụng gắn liền với người lính. Đó là những kỷ vật kháng chiến, từ chiếc thắt lưng, mũ tai bèo, áo trấn thủ, đến cả những hộp đạn... tất cả được người lính nâng niu, trân trọng. Và từ trong khó khăn, gian khổ, dưới bàn tay tài hoa, những người lính đã biến vỏ đạn thành chiếc bình hoa, phích nước... trở thành vật dụng có ích trong sinh hoạt và chiến đấu. Ở đấy, chúng ta còn bắt gặp những “quyết tâm thư”, nhiều lá đơn tình nguyện được viết bằng máu như một lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; là những trang nhật ký của người lính trẻ với một trái tim đầy nhiệt huyết, lý tưởng sống cao đẹp. Bước sang tuổi 23, trong trang nhật ký của mình, liệt sĩ Lê Văn Thể, quê xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu viết năm 1972: “Hãy vững tin ở ngày mai tươi sáng! hãy vững bước đi lên trên con đường gian khổ nhưng vinh quang! Hãy nhìn, hãy nghe và suy nghĩ trước tất cả! Chào tuổi 23!...”.
Những ngày tháng 7 này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần xương máu nơi chiến trường. Những ngọn nến thắp lên tỏa sáng lung linh tại các nghĩa trang liệt sĩ với nghĩa cử “mỗi ngọn nến thắp sáng - vạn tấm lòng tri ân”. Với lực lượng Công an Nghệ An, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hành hương về nguồn. Về với Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào, Khu di tích quốc gia Truông Bồn... thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân, máu thịt cho Tổ quốc, anh dũng chiến đấu và hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Phòng Cảnh sát Cơ động Công an Nghệ An thăm hỏi, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Năm |
Bên cạnh đó, các đơn vị đã tổ chức các hoạt động tri ân: Chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; động viên, thăm hỏi các CBCS là thương binh, thân nhân liệt sĩ hiện đang công tác, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Những ngày qua, Đoàn Thanh niên Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức chương trình “Bữa cơm yêu thương”, tri ân gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, dành thời gian lau chùi các phần mộ, quét dọn, phát quang và làm vệ sinh môi trường trong khuôn viên các nghĩa trang...
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, hình ảnh các anh hùng liệt sĩ vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ. Chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay, trân trọng giá trị lịch sử, những cống hiến và hy sinh của lớp cha anh đi trước, nguyện viết tiếp trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
.