(Congannghean.vn)-Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới - đây là một trong những kế hoạch mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa mới ban hành. Mô hình này sẽ triển khai tại một số tỉnh, trong đó có Nghệ An.
Tại Nghệ An, mô hình này sẽ được triển khai bằng việc bảo tồn, phát huy các câu lạc bộ (CLB) hát dân ca Thái phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Con Cuông.
Câu lạc bộ hát dân ca, dân nhạc, dân vũ của bản Khe Rạn biểu diễn các tiết mục |
Con Cuông là huyện miền núi có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 75%. Thời gian qua, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, trên địa bàn huyện đã thành lập nhiều CLB dân ca, dân vũ Thái tại nhiều bản. Bà Vi Thị Nguyệt, Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 29 CLB hát dân ca Thái, trong đó có một số CLB phát huy hiệu quả trong việc phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập cho bà con bản Nưa, xã Yên Khê; bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; bản Xiềng, bản Cằng, xã Môn Sơn... Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với huyện xây dựng CLB hát dân ca, dân nhạc, dân vũ tại bản Khe Rạn, xã Bồng Khê đạt mô hình văn hóa tiên tiến cấp tỉnh.
Về với Khe Rạn, xã Bồng Khê, du khách không những được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Thái, được tìm hiểu phong tục tập quán của họ, mà còn được thưởng thức các làn điệu dân ca Thái cùng với tiếng cồng chiêng, tiếng kèn ngân vang, được hòa mình trong các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp... đến từ CLB hát dân ca, dân nhạc, dân vũ của bản làng này. Ông Hoàng Xuân Thủy, Chủ nhiệm CLB cho biết, bản Khe Rạn 100% người dân tộc Thái, được công nhận Bản văn hóa từ năm 1998. Năm 2015, huyện Con Cuông đã chọn bản làm điểm phát triển du lịch cộng đồng. Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái gắn với việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi đã thành lập CLB hát dân ca, dân nhạc, dân vũ. Đến nay, sau 2 năm thành lập, CLB đã có đến 44 thành viên.
Vừa qua, bản Khe Rạn vinh dự khi được Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND huyện hỗ trợ trang phục, đạo cụ, thiết bị để phục vụ cho nhân dân. Đây là chương trình nằm trong Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2025”. Gói trang phục, thiết bị hỗ trợ cho bản Khe Rạn có tổng giá trị gần 400 triệu đồng.
Xây dựng, duy trì hoạt động các CLB hát dân ca tại huyện Con Cuông nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung đã góp phần phát triển phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.
Có thể thấy, xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Đồng thời, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
.