Chủ Nhật, 03/05/2020, 09:06 [GMT+7]

Nghệ nhân đam mê nhạc cụ dân tộc

(Congannghean.vn)-Dù chưa từng trải qua một trường lớp chuyên nghiệp nào, nhưng bao năm qua, bằng tâm huyết, tấm lòng và niềm đam mê của mình, nghệ nhân Nguyễn Đình Túc vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi. Năm 2019, ông được vinh danh nghệ nhân ưu tú đã có công xuất sắc trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc. 

Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc say sưa bên cây đàn bầu
Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc say sưa bên cây đàn bầu
Về xã Diễn Kỷ, nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Đình Túc tại thôn 7 hẳn ai cũng biết ông là người có niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc. Trong căn nhà nhỏ của gia đình, những cây đàn tính, đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt... được treo trang trọng trên tường. Cầm cây đàn bầu trên tay, ông Túc say sưa kể về niềm đam mê các nhạc cụ dân tộc của mình. 
 
Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Diễn Châu giàu truyền thống văn hóa văn nghệ. Từ nhỏ, khi cùng chúng bạn chăn trâu nghe tiếng sáo, tiếng đàn cất lên du dương giữa những cánh đồng quê bát ngát khiến ông mê mẩn. Yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc, cứ thấy ai chơi đàn, thổi sáo là ông chỉ muốn lắng nghe hay ngắm nghía các loại nhạc cụ hàng giờ không biết chán. Và những nhạc cụ dân tộc ấy đã thấm vào tâm trí ông, trở thành niềm đam mê, yêu thích lúc nào không hay. 
 
Năm 12 tuổi, ông được cậu ruột là Phạm Đình Mỹ dạy thổi sáo, kéo nhị, chơi đàn Măngđôlin, Ắcmônica. Lớn thêm chút nữa, học đánh đàn bầu và các dụng cụ âm nhạc khác. Được trời phú cho khả năng cảm thụ và đam mê âm nhạc, ông Túc học cách sử dụng các loại nhạc cụ một cách thuần thục chỉ trong một thời gian ngắn. May mắn hơn nữa, ông được sinh ra trong một gia đình yêu văn nghệ, mẹ là một người hát dân ca nổi tiếng trong vùng, cậu ruột lại là người thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Chính những yếu tố đó đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu đối với âm nhạc trong ông. Và không biết từ lúc nào, những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của những nhạc cụ dân tộc đã ngấm vào người, trở thành đam mê, sở thích theo ông suốt cả cuộc đời.
 
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nghệ nhân Nguyễn Đình Túc luôn là một trong những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của trường. Năm 1974, chàng trai ấy giã từ gia đình để vào quân ngũ, trở thành người lính đặc công. Trong thời gian đi lính, ông thường lấy cây sáo, cây đàn làm bạn. Cũng vì đam mê tiếng đàn, nhất là đàn bầu nên ông đã tìm các vật dụng trong rừng tự mày mò nghiên cứu, chế tác đàn bầu. Tranh thủ những phút nghỉ ngơi ít ỏi sau những trận chiến ác liệt, chàng trai trẻ lại đưa cây sáo, cây đàn bầu cất lên những giai điệu thiết tha, sâu lắng, để tạm quên đi những hiểm nguy đang rình rập.
 
Hoàn thành nghĩa vụ của một người lính, trở về gia đình với những bộn bề lo toan nên ông phải tạm gác đam mê với âm nhạc để mưu sinh. Nhưng ngọn lửa đam mê vẫn âm ỉ cháy trong con người ông, nó như sức mạnh tinh thần giúp ông vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tiếng đàn được ông Túc gảy lên trong những đêm thanh bình ở làng quê, làm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Rồi những đêm sinh hoạt văn nghệ tại địa phương, ông được mời biểu diễn cho bà con gần xa thưởng thức. Qua đó, tài năng của ông ngày một vang xa.
 
Với tình yêu, lòng nhiệt tình và những đóng góp trong việc bảo tồn dụng cụ âm nhạc dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Đình Túc đã được trao tặng giải A tại Hội diễn Tiếng hát Làng Sen năm 2006; Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang toàn tỉnh năm 2006; Huy chương Bạc tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân khu 4 năm 2007; giải A tại Hội diễn Công đoàn tỉnh. Mới đây, vào năm 2019, ông được Chủ tịch nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, tiếng đàn của ông còn góp phần đem lại giải cao cho các CLB trong huyện (như CLB ví, giặm các xã Diễn Lâm, Diễn Thái, Diễn Mỹ) tại các cuộc thi, hội diễn cấp huyện, tỉnh. 
.

Cao Loan

.