Thứ Năm, 02/01/2020, 08:46 [GMT+7]

Ông giáo về hưu nặng lòng với nhạc cụ dân tộc

(Congannghean.vn)-Dù chưa từng trải qua một trường lớp chuyên nghiệp nào, nhưng bao năm qua, bằng tâm huyết, tấm lòng và niềm đam mê của mình, ông Nguyễn Thanh Phúc, giáo viên về hưu, nay đã ngoài 70 tuổi vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, chế tác các nhạc cụ dân gian, với mong muốn góp phần giữ gìn, phát huy và trao truyền những giai điệu, bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, để những thanh âm dân tộc mãi được ngân xa.

Niềm say mê nhạc cụ dân tộc của thầy giáo dạy Thể dục

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thanh Phúc (SN 1950) ở khối 7, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương - người được nhân dân trong vùng gọi là “nghệ nhân của làng” với sự kính trọng và nể phục. Ông được nhiều người biết đến không chỉ vì chơi tốt các loại nhạc cụ dân tộc, mà còn là người biết chế tác ra nhiều loại nhạc cụ dân tộc đang có nguy cơ bị mai một…

Ông Nguyễn Thanh Phúc giới thiệu những nhạc cụ dân tộc trong ngôi nhà của mình
Ông Nguyễn Thanh Phúc giới thiệu những nhạc cụ dân tộc trong ngôi nhà của mình

Căn nhà nhỏ chỉ rộng hơn 30 m2 nhưng diện tích phần lớn dành để treo, đặt các loại nhạc cụ dân tộc. Đã có nhiều người tìm đến hỏi mua nhạc cụ nhưng ông đều từ chối, bởi mỗi một nhạc cụ dân tộc đều gắn bó với ông, mang một kỷ niệm đặc biệt riêng. Ông kể, từ nhỏ, khi cùng chúng bạn chăn trâu đã nghe tiếng sáo, tiếng đàn cất lên du dương giữa những triền đồi khiến ông mê mẩn. Và những nhạc cụ dân tộc ấy đã thấm vào tâm trí ông, trở thành niềm đam mê, yêu thích lúc nào không hay.

Lớn lên, ông theo học và trở thành giáo viên dạy Thể dục - một lĩnh vực dường như không liên quan đến nghệ thuật. Thế nhưng, với sự đam mê âm nhạc, ngoài thời gian giảng dạy tại trường, ông lại tự mày mò, nghiên cứu, tự học nguyên lý của các loại nhạc cụ dân tộc. Từ đó, ông có thể tự chơi và tìm tòi, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc như sáo, nhị, kèn, đàn bầu, đàn môi…, được nhiều người rất yêu thích. Nhiều năm mày mò chế tác, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bí quyết trong việc chế tác sáo, đàn bầu, đàn môi, đàn T-rưng… làm sao tạo âm thanh ngọt ngào, căn chỉnh độ chính xác của từng nốt nhạc…

Theo ông Phúc, chế tác nhạc cụ đòi hỏi rất kỳ công và sự thẩm âm chính xác tuyệt đối, chính vì vậy, người làm phải có sự hiểu biết nhất định và lòng kiên trì. Có những nhạc cụ có thể làm trong vòng vài ngày, vài tuần nhưng cũng có cái phải làm mất cả năm trời, thậm chí trong nhiều năm mới hoàn thiện. Đơn cử như chiếc đàn đá 5 tầng. Đặc biệt, vừa qua, ông đã chế tác thành công chiếc đàn bầu đá nặng 100 kg. Mặt đàn có hình bản đồ huyện Thanh Chương được trang trí nhiều hoa văn như mặt trống đồng, cờ Tổ quốc; cần đàn làm từ sừng 1 con sơn dương già; để tăng thêm tính cộng hưởng, bầu đàn được gắn thêm 1 chiếc vuốt chân của con trâu nước do 1 cụ ông ở huyện Kỳ Sơn tặng.

Qua hàng chục năm sưu tầm, chế tác, hiện trong nhà ông Phúc đã có trên dưới 60 đầu sản phẩm nhạc cụ, gồm đủ các bộ như: Hơi (sáo, tiêu, khèn, tù và, đàn môi…); dây (đàn bầu, thập lục huyền cầm, nhị, đàn đáy…), da (trống cơm, trống tầm vông…); gõ (tơ-rưng, đàn đá, đàn bát…). Thời gian gần đây, những vật liệu để sản xuất nhạc cụ đều trở nên khó kiếm, ông phải lặn lội khắp nơi tìm vật liệu phù hợp đem về tỉ mỉ cắt gọt, ráp nối… để làm nhạc cụ.

Trăn trở của ông giáo về hưu

Dừng cuộc trò chuyện, ông trổ tài cho chúng tôi thưởng thức các màn thổi sáo, đánh đàn bầu và đặc biệt là biểu diễn màn đàn bát độc đáo. Trên chiếc bàn gỗ đặt một dãy bát với đủ các kích cỡ, chỉ với một đôi đũa, ông say sưa nhập tâm trên từng chiếc bát, hòa điệu hát bài “Chiếc khăn piêu” một cách điêu luyện. Ông Phúc cho hay, bộ đàn bát này là tập hợp những chiếc bát ăn cơm thường ngày. Sau khi xác định được âm sắc của từng chiếc bát, bộ đàn bát đã có 16 chiếc, ông ghép những chiếc bát với kích cỡ khác nhau thành đủ các cung bậc âm thanh từ thấp đến cao.

Ông chia sẻ: “Để có bộ đàn bát chuẩn thì phải lựa chọn được những chiếc bát phát ra âm thanh hợp với nốt nhạc mình cần. Trước lúc biểu diễn, phải đổ nước (nước lã bình thường) với mực nước phù hợp theo từng chiếc bát để tạo nên âm thanh mong muốn. Mực nước trong bát ảnh hưởng lớn đến chất lượng âm thanh. Nhờ có nước trong bát, âm thanh được cộng hưởng tạo nên sự trầm ấm, êm ái, không bị thô. Cũng như nhiều loại nhạc cụ khác, để đánh được đàn bát hay, đòi hỏi người chơi phải có sự say mê, kiên trì cả trong sưu tầm nhạc cụ lẫn luyện tập”.

Chế tác và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc, ông Phúc lại trăn trở khi hiện nay những người sử dụng và làm ra các sản phẩm nhạc cụ dân tộc như ông ngày càng ít dần. Thế hệ trẻ chủ yếu chỉ thích hát những bài nhạc mới, chơi những nhạc cụ hiện đại mà bỏ quên những nét văn hóa của dân tộc mình… Mong muốn duy nhất của ông là làm sao lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ là con em, những người yêu thích nhạc cụ dân tộc trong huyện và các vùng lân cận.

Vì vậy, bắt đầu từ năm 2009, ông mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho các em học sinh và những người yêu thích, tìm hiểu. Ông không chỉ truyền đạt cho các em những kỹ năng cơ bản về nhạc cụ dân tộc mà còn truyền cả niềm đam mê cho các em về cách thổi sáo, đánh đàn bầu, cách chế tác ra các nhạc cụ dân tộc, cách làm thế nào giữ được âm thanh trong trẻo, thánh thót của sáo, tiếng vang vọng, ngân nga của đàn bầu…

Ông Nguyễn Thanh Phúc say sưa biểu diễn đàn bầu hòa điệu bài hát “Bèo dạt mây trôi”
Ông Nguyễn Thanh Phúc say sưa biểu diễn đàn bầu hòa điệu bài hát “Bèo dạt mây trôi”

Nay, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông giáo về hưu Nguyễn Thanh Phúc vẫn luôn hăng hái trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của thị trấn, của huyện, tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện và tỉnh. Hiện, ông Phúc là Chủ nhiệm CLB nhạc cụ dân tộc Thanh Chương và CLB Hương Sen. CLB sinh hoạt đều đặn hàng tháng, nhằm tạo ra sân chơi để những người yêu nhạc cụ dân tộc trong huyện gắn kết với nhau, tăng cường sự giao lưu, học hỏi. Chương trình của CLB đã được đưa vào phục vụ các lễ hội (đền Bạch Mã, đền Bà Chúa, đền Bổn Sơn, lễ đón bằng văn hóa, bằng di tích lịch sử ở các địa phương…). Ngoài ra, ông còn tham gia sáng tác, biên tập các nội dung chương trình lễ hội, các chương trình văn hóa, nghệ thuật của huyện.

Hiện, ông đang hoàn tất hồ sơ để đề nghị công nhận Nghệ nhân ưu tú. Nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, hội diễn lớn, trong đó tiêu biểu nhất là giải A Hội diễn văn nghệ cấp tỉnh, Huy chương Bạc Hội diễn nghệ thuật toàn quốc… là minh chứng phần nào sự đóng góp của ông giáo về hưu Nguyễn Thanh Phúc đối với việc bảo tồn và lưu giữ những nhạc cụ dân tộc.

Mong mỏi lớn nhất hiện tại của ông Phúc là có một cuộc thi nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh để các nghệ nhân, những người có chung đam mê như ông được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đó cũng là động lực để những người như ông tiếp tục với niềm đam mê biểu diễn, chế tác để nhạc cụ dân tộc trường tồn với thời gian.

.

Thu Thủy

.