(Congannghean.vn)-Sách giáo khoa (SGK) phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Đó là những tiêu chí lựa chọn SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 mà UBND tỉnh Nghệ An vừa mới ban hành.
Các giáo viên nghiên cứu, thảo luận về bộ sách giáo khoa lớp 1 |
Thay vì chỉ có 1 bộ SGK cho khối lớp 1 như trước đây thì nay, theo chủ trương đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông, đã có đến 5 bộ SGK khối lớp 1 được Bộ GD&ĐT phê duyệt gồm 32 tên sách mới; trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ (24 tên sách) là “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Bộ sách còn lại là “Cánh diều” (8 tên sách) của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam.
Tại Nghệ An, bản cứng 3 bộ SGK lớp 1 mới gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực đã đưa về các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Tại các trường học cũng đã tổ chức cho giáo viên tiến hành thẩm định 3 bộ sách nói trên. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, nhà trường sẽ tổng hợp gửi về Phòng GD&ĐT đề xuất phương án lựa chọn. Tại Trường Tiểu học Đông Vĩnh, TP Vinh, tranh thủ những ngày học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận về bộ SGK lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến nay, nhà trường đã hoàn thành công tác thẩm định đánh giá. Theo đánh giá của các giáo viên, thì các bộ sách có sự kết nối, xây dựng cấu trúc bài học và chủ đề theo từng tiết học để giáo viên linh hoạt trong giảng dạy. Chương trình mới đã tăng cường các hoạt động trải nghiệm, bồi dưỡng được năng lực tự chủ, tự học...
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa ra Quyết định số 1106/QĐ-UBND về việc ban hành Tiêu chí lựa chọn SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở tiêu chí này, các trường sẽ quyết định chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020 - 2021 trước ngày 1/5.
Tại Quyết định này, tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục tiểu học lựa chọn SGK theo quy định của Bộ GD&ĐT và các tiêu chí đã được ban hành.
Bộ tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh Nghệ An ban hành theo quyết định này gồm 4 tiêu chí và 16 chỉ báo. Cụ thể, SGK phải phù hợp với việc học của học sinh. Theo đó, nội dung sách phải đảm bảo tính cơ bản, khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ hiểu, dễ sử dụng, phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo các yêu cầu cần diễn đạt của chương trình; các bài học trong SGK chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết nhiệm vụ học tập và trong thực tiễn cuộc sống; cấu trúc bài học tạo điều kiện cho các em tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn kỹ năng hợp tác, giao tiếp, tư duy, phản biện, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh; SGK được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và hình, đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với đặc trưng môn học và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Bên cạnh đó, SGK phải thuận lợi đối với giáo viên. Trong đó, các chủ đề, bài học chú trọng tới việc thực hiện tích hợp kiến thức nội môn, liên môn; được thiết kế, trình bày phong phú, đa dạng với nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, làm thế nào giáo viên có thể thực hiện dạy học gắn kết với thực tiễn cuộc sống. Nội dung SGK với các yêu cầu cụ thể trong từng bài học, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh cũng như đánh giá được kết quả giáo dục. Cấu trúc SGK cũng tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học...
Một trong những tiêu chí quan trọng là SGK phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, nội dung SGK đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương và cộng đồng dân cư. Cấu trúc, nội dung sách có tính mở, tính mềm dẻo, tính phân hóa cao, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương; giúp nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung thích hợp, gắn với thực tiễn của địa phương. Hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động có tính mở, được thể hiện với các mức độ khác nhau, phù hợp với đặc điểm, trình độ đối tượng học sinh và đặc điểm kinh tế - xã hội vùng miền và SGK có giá phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.
Cuối cùng, SGK phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Để đáp ứng tiêu chí này, nội dung SGK phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác của cơ sở giáo dục. Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho SGK đa dạng, phong phú, hữu ích, dễ khai thác sử dụng, phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục. Đồng thời, cấu trúc sách giúp nhà trường và giáo viên chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo điều kiện của từng trường, từng địa phương dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý giáo dục.
Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Trước đó, Sở lấy ý kiến của từng trường tiểu học và Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị về việc lựa chọn SGK. Bộ tiêu chí lựa chọn SGK được UBND tỉnh thông qua cũng làm rõ, cụ thể hóa văn bản hướng dẫn của Bộ, là cơ sở giúp các nhà trường thuận lợi trong việc quyết định bộ sách phù hợp với thực tiễn. Dựa vào bộ tiêu chí này, trước ngày 1/5, Hội đồng các trường cũng sẽ họp để lựa chọn ra bộ SGK cuối cùng cho năm học 2020 - 2021.
.