Thứ Sáu, 17/04/2020, 09:42 [GMT+7]

Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia 2020

Ngày 15/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đã trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia năm 2020 ứng phó với COVID-19.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 và như vậy kỳ thi THPT Quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8.
 
Vì sau khi kết thúc năm học vào ngày 15/7, học sinh cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập, bằng thời gian ôn tập những năm trước.
 
Mặt khác, từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và qua truyền hình của Bộ GD&ĐT từ 25/3, các trường đều dạy và học theo phương thức này.
 
Nếu tính từ 15/4 - thời gian các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình (một số nơi triển khai sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi học sinh quay lại trường (muộn nhất là 15/6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
 
Theo ông Độ, nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia  phương thức cơ bản như năm 2019 nhưng sẽ xem xét giảm số môn thi.
 
Hiện chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được tinh giản từ 19 tuần để có thể hoàn thành trong 10 tuần, trong đó học sinh đã học 2 tuần trước Tết Nguyên đán. “Bộ khẳng định nội dung tinh giản sẽ không có trong đề thi và sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với học sinh”, ông Độ nói.
 
Nếu tổ chức thi thì phương thức cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với học sinh.
 
Đề thi sẽ được giảm nhẹ hết mức có thể và đề thi không có các phần kiến thức đã được tinh giản nhưng vẫn phải đảm bảo phân loại được mức độ học lực của học sinh.
 
Ngoài phương án tổ chức thi, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra thêm phương án không tổ chức thi tốt nghiệp tùy thuộc vào tình hình dịch COVID-19.
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, vì lý do bất khả kháng, Bộ cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.
 
Đại diện các trường đại học cho biết hiện nay vẫn đang chờ phương án chính thức của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia 2020.
 
Mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ dự thi 3 bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
 
Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 (trong 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và phải nghỉ vì dịch bệnh. Hiện hầu hết tỉnh, thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới. Bộ GD&ĐT cũng đã 2 lần điều chỉnh khung thời gian năm học.
 
Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh, Bộ GD&ĐT phải cắt giảm chương trình học, công nhận kết quả học trực tuyến.
 
Nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, một số trường đã lên phương án có thể sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh theo 2 bước: Sơ tuyển và kiểm tra riêng. Trong đó, việc sơ tuyển dựa trên các kết quả học tập đã có sẵn của học sinh như học bạ, chứng chỉ tiếng Anh. Sau bước sàng lọc này, thí sinh được chọn sẽ tiếp tục qua kỳ thi hoặc kiểm tra, phỏng vấn.
 
"Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi, trong đó có thi THPT quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
 
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo trường THPT vùng khó khăn cho rằng tính toán của Bộ phải dựa trên bình diện quốc gia chứ không thể nhìn vào một số trường hoặc một số địa phương làm tốt để quy định cho đại trà.
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.