Thứ Hai, 13/04/2020, 08:52 [GMT+7]

Giảm tải chương trình học vẫn đảm bảo kiến thức nền tảng, cốt lõi

(Congannghean.vn)-Trước tình hình diễn biến của dịch COVID-19, thì việc giảm tải nội dung dạy học để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học là vấn đề được ngành Giáo dục quan tâm hiện nay.
Giảm tải chương trình sẽ giúp học sinh giảm bớt áp lực
Giảm tải chương trình sẽ giúp học sinh giảm bớt áp lực
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Công văn 1125/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020. 
Để thuận lợi cho các cơ sở giáo dục, Bộ đã tiến hành rà soát, công bố các nội dung được giảm tải trong chương trình học kỳ II, mục tiêu là giảm được từ 5 - 7 tuần so với chương trình hiện nay, để đến ngày 15/7 là kết thúc năm học. Việc giảm tải chương trình không thực hiện cơ học, mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học.
 
Đối với kỳ thi THPT quốc gia, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, trước mắt sẽ xây dựng ma trận đề thi, công bố đề thi tham khảo sau khi có chương trình được tinh giản, giảm tải. Đề thi minh họa đang được Bộ xây dựng trên cơ sở đồng bộ với việc tinh giản chương trình giáo dục phổ thông. 
 
Để đánh giá kết quả học tập của học sinh qua việc học trên internet, truyền hình một cách khách quan, đảm bảo công bằng, Bộ thống nhất ý kiến việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các nhà trường khi học sinh đi học trở lại. Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, các cơ sở giáo dục cần đánh giá thường xuyên thông qua nhiều hình thức như sản phẩm học tập, kết quả thực hành thí nghiệm...
 
Tại Nghệ An, trước Công văn yêu cầu của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020, mới đây,  Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục Trung học (gồm THCS và THPT) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở yêu cầu các trường cần rà soát nội dung dạy học các môn học học kỳ II trong kế hoạch giáo dục năm học 2019 - 2020 của nhà trường để thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học. Trong quá trình thực hiện, với các nội dung “Không dạy”, “Không thực hiện”; “Không yêu cầu”, “Không làm”, “Không bắt buộc”, “Không thực hành” thì không tổ chức dạy học. Đối với các nội dung “Tự học có hướng dẫn”, “Tự làm có hướng dẫn”, “Tự đọc có hướng dẫn”, “Hướng dẫn tự ôn tập”, “Hướng dẫn thực hành ở nhà”, “Hướng dẫn tự đọc và thực hành ở nhà”, các giáo viên phải có hướng dẫn phù hợp với đặc thù bộ môn để học sinh thực hiện. Từ đó có được kiến thức, kỹ năng phục vụ việc học tập tiếp theo.
 
Đối với nội dung “Khuyến khích  học sinh tự học” (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện), căn cứ vào tình hình thực tế, năng lực của học sinh, để lựa chọn nội dung phù hợp, hướng dẫn, khuyến khích học sinh thực hiện. Đối với nội dung “Tích hợp thành một bài”, “Tích hợp vào bài…”, “Tích hợp thành một mục”, “Tích hợp thành một chủ đề” thì cần phải nắm vững nội dung cơ bản, cốt lõi, đảm bảo chuẩn kiến thức, sắp xếp lại thành mạch nội dung kiến thức logic. Đối với nội dung “Lồng ghép trong các nội dung bài học” thì cần xác định các bài học phù hợp với nội dung kiến thức lồng ghép, bảo đảm tính hệ thống, khoa học. Đối với các môn học thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục căn cứ vào Công văn số 1113/BGD ĐT-GDTrH để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù của môn học. Đối với các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở.
 
Sở cũng yêu cầu, sau khi đã điều chỉnh nội dung dạy học các môn học học kỳ II năm học 2019 - 2020, các nhà trường tiếp tục rà soát lựa chọn nội dung để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình và các hình thức khác phù hợp với điều kiện đặc thù địa phương. Khi học sinh đi học trở lại, cần bố trí thời lượng phù hợp để thực hiện việc rà soát, ôn tập, củng cố kiến thức, kỹ năng ở các phần học sinh đã học; dạy học các nội dung chưa học và thực hiện các bài kiểm tra định kỳ. Đặc biệt, không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn 5842 của Bộ GD&ĐT và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự học” theo Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH.
 
Trước đó, Sở cũng đã có hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch dạy học ở các cơ sở giáo dục Tiểu học. Theo đó, cắt/giảm các tiết học tăng thêm ngoài Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ GD&ĐT để ưu tiên bố trí dạy học hoàn thành chương trình các môn học bắt buộc. Yêu cầu các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, hoạt động giáo dục như: Giáo dục tập thể, Giáo dục ngoài giờ lên lớp; xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018. Để triển khai đúng trọng tâm, trong các tiết dạy, Sở cũng yêu cầu các giáo viên chỉ tập trung hoàn thành các kiến thức cốt lõi, không ra quá nhiều bài tập hoặc bài tập khó đối với học sinh; các yêu cầu khác có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu, tự học ở nhà. 
.

Phan Tuyết (tổng hợp)

.