Thứ Sáu, 18/10/2019, 08:55 [GMT+7]

SGK Giáo dục thể chất: Cân nhắc để tránh nguy cơ lãng phí?

Lần đầu tiên trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ có thêm sách giáo khoa (SGK) môn Thể dục với tên gọi mới là Giáo dục thể chất. 
 
Đây là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Mặc dù việc biên soạn SGK môn Giáo dục thể chất được thực hiện theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo song vẫn còn những ý kiến trái chiều về sự cần thiết và hiệu quả thực sự của bộ sách này.
 
Ủng hộ việc có SGK cho bộ môn mình giảng dạy, thầy Lê Thái Trung, giáo viên Thể dục Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Nội cho rằng: Việc biên soạn SGK cho học sinh môn Giáo dục thể chất là tín hiệu tốt. Điều này cho thấy, môn học này được bình đẳng với các môn học khác, sẽ không còn bị mang tiếng là môn học phụ, bị coi nhẹ như trước. Quan trọng hơn, khi có SGK, học sinh dễ dàng hình dung các động tác khi tập bài ở nhà, lỡ quên có thể tự bổ sung.
 
“Với thời lượng trên lớp hạn chế, việc học sinh rèn luyện thể dục thêm ở nhà là rất cần thiết. Có SGK, cha mẹ cũng có thể hỗ trợ thêm cho con. Việc phối hợp giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh cũng được thực hiện tốt hơn” - thầy Trung chia sẻ.
 
Lãnh đạo trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh cũng cho rằng: Hiện trên thế giới, hầu hết các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga đều có SGK Giáo dục thể chất. SGK Giáo dục thể chất không chỉ giúp học sinh dễ hình dung về môn học, nắm rõ các nội dung kiến thức cần đạt được của môn học mà phụ huynh và giáo viên cũng có thể tham khảo để hướng dẫn, bổ trợ thêm cho học sinh.
 
Đơn cử như tại Nhật Bản, SGK môn Giáo dục thể chất không chỉ là thể dục mà còn là khoa học sức khỏe. Do vậy, SGK cũng có đầy đủ phần lý thuyết, lý luận, có hình vẽ, có số liệu phân tích bởi học Giáo dục thể chất là học cả kiến thức chung về sức khỏe, chứ không phải chỉ có ra sân thực hành vận động. Tuy vậy, lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận, do từ trước đến nay, Việt Nam chưa có SGK về môn học này nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc biên soạn sách.
 
Vấn đề đặt ra là cần huy động tốt các nguồn lực trong xã hội để biên soạn được các bộ SGK có chất lượng tốt, phù hợp với các cấp học, có cách trình bày sinh động, hấp dẫn học sinh.
Trong chương trình GDPT mới, môn Thể dục sẽ có tên gọi mới là Giáo dục thể chất.
Trong chương trình GDPT mới, môn Thể dục sẽ có tên gọi mới là Giáo dục thể chất.
Theo thầy Nguyễn Minh Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội), việc dạy học thể dục chỉ cần có tài liệu hướng dẫn giáo viên là đủ, không cần thêm SGK cho học sinh. Thực tế cho thấy, điều làm cho học sinh Việt Nam chán và sợ học thể dục là do điều kiện dạy học hiện nay quá thiếu thốn, đặc biệt là sân bãi. Nhiều trường học không có sân tập nên chủ yếu dạy lý thuyết chay khiến học sinh không còn hứng thú với môn học này. Do vậy, việc ưu tiên nguồn lực cho cơ sở vật chất, đặc biệt là các sân tập trong trường học quan trọng và cần thiết hơn nhiều so với việc biên soạn SGK cho môn học này.
 
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng: Việc ban hành SGK Giáo dục thể chất cho học sinh cần cân nhắc thêm để tránh nguy cơ lãng phí. Hoặc nếu có ban hành thì cũng nên thí điểm trước với một số lượng ít, còn lại hãy số hóa nội dung, công bố rộng rãi trên website để giáo viên, phụ huynh, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận. “Thực tế cho thấy, với môn học thiên về thực hành này, chỉ cần có tài liệu hướng dẫn dạy học cho giáo viên là đủ. Để nâng cao chất lượng môn học, cần tập trung thay đổi nội dung của các cấp học phù hợp hơn; linh hoạt nội dung giảng dạy, phong phú hoạt động. Đặc biệt là cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, nhất là sân bãi để học sinh được lựa chọn các môn học phù hợp với thể lực và sở thích của mình”- GS Phạm Tất Dong nêu ý kiến.
 
Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới cho biết: Quan điểm xuyên suốt của Bộ GD&ĐT khi xây dựng chương trình GDPT mới là tất cả các môn học đều phải bình đẳng như nhau và đều phải có SGK để học. Mặc dù Giáo dục thể chất là một môn thiên về thực hành nhiều nhưng học sinh tập cũng cần thực hiện đúng động tác. Lâu nay bộ môn này trong nhà trường chưa được chú trọng, thậm chí bị coi là môn phụ mặc dù đây là môn học rất quan trọng, là một trong 4 lĩnh vực cốt yếu mà học sinh cần có gồm “đức, trí, thể, mỹ”.
 
Sắp tới đây, trong chương trình GDPT mới, học sinh sẽ được học đa dạng hơn. Thậm chí, các em được lựa chọn các môn học phù hợp với sức khoẻ. Do đó, các em cần phải có sách để đọc. Ở nhà, bố mẹ có thể hướng dẫn thêm dựa trên giáo trình đó. Nội dung của Giáo dục thể chất cũng sẽ không chỉ dừng lại ở tập các động tác thể dục nhưng trước đây mà học sinh còn được học cách chăm sóc sức khoẻ, nề nếp sinh hoạt, dinh dưỡng.
 
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng tái khẳng định: Việc biên soạn SGK Giáo dục thể chất được thực hiện theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, chương trình mới sẽ buộc phải có SGK môn Giáo dục thể chất theo đúng quy định và bình đẳng với các môn học khác. Thông qua quy trình thẩm định SGK mới, Bộ GD&ĐT mong muốn sẽ lựa chọn được những bộ SGK Giáo dục thể chất có chất lượng, phù hợp nhất đối với học sinh.
.

Huyền Thanh

.