Văn hóa - Giáo dục
Những thầy giáo 'cõng chữ lên non'
08:36, 24/12/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nhắc đến miền Tây xứ Nghệ, nhiều người nghĩ ngay đến cái đẹp của danh lam thắng cảnh, của những ngôi nhà sàn, của những cô gái trong trang phục truyền thống dân tộc. Nhưng đậm nét hơn cả đó là hình ảnh của những thầy giáo “cắm bản”, những người đang miệt mài gieo mầm xanh tri thức cho các em học sinh nghèo, với mong ước ngày mai sẽ tươi sáng hơn.
Khi quyết định đặt chân đến bản Huổi Máy, chúng tôi đã được các thầy, cô ở Trường Tiểu học Cắm Muộn (Quế Phong) báo trước hành trình gian nan này. Tất cả mọi người đều miêu tả đường lên Huổi Máy bằng các từ “rùng mình”, “đáng sợ”, trời nắng đi và về mất gần một ngày, trời mưa thì chỉ còn nước ở lại với dân bản thôi. Biết trước như vậy nhưng chúng tôi vẫn hạ quyết tâm để một lần được đến với bản làng này.
Ngoài dạy học, các thầy giáo ở Huổi Máy còn kiêm cả “thợ cắt tóc” cho học sinh |
Hành trình chinh phục Huổi Máy được bắt đầu lúc 6 giờ sáng với điểm đầu là tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Sau gần 2 tiếng đồng hồ ngồi xe gắn máy thì đến bản Nà Kích thuộc xã Nậm Nhóng, bắt đầu quãng đường lội bộ theo dòng suối gần 10 km và trèo lên, tụt xuống 4 ngọn núi. Sau gần 4 tiếng đồng hồ với sự trợ giúp của các thầy, cô và bà con dân bản, chúng tôi cũng đã đến đích. Tuy nhiên, nghĩ lại chặng đường khi trở ra mới thật sự ớn lạnh.
Cuộc sống tại quê nhà khó khăn nên hầu hết thanh niên trai tráng trong bản đã tìm đường làm ăn xa, chỉ còn người già và trẻ con. Qua tìm hiểu thêm được biết, tại điểm trường Huổi Máy có 28 học sinh gồm lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 5. Các học sinh này được 2 giáo viên là thầy Lô Văn Thanh và Lô Đức Tưởng vào cắm bản trực tiếp giảng dạy theo hình thức học ghép. Ở đây, các thầy giáo không chỉ làm công tác chuyên môn dạy học mà còn kiêm thêm nhiều việc như cắt tóc cho học sinh, sửa chữa máy phát điện, vận động bà con cho các em đến trường, hướng dẫn dân bản ăn ở vệ sinh…
Được biết, thầy Thanh đã cắm bản Huổi Máy gần chục năm, còn thầy Tưởng cùng đã gần 5 năm. Gia đình thầy sinh sống ở ngoài xã, cuối tuần các thầy lại đi bộ về với gia đình. Ở với vợ con một ngày lại phải vào cho kịp giờ lên lớp. Các thầy về thăm nhà cũng là dịp chuẩn bị nhu yếu phẩm cho cả tuần. Còn những tháng mưa to, đường sạt lở, nước suối dâng cao thì phải ở lại bản. Thầy Tưởng chia sẻ: “Thương các em thì vào dạy cho các em cái chữ, biết được phép tính, để lớn lên về xuôi đi làm thuê còn biết đọc chữ người Kinh, ở bản mãi thì khổ lắm. Cuộc sống các thầy có vất vả nhưng không bằng cuộc sống của người dân và các em học sinh nơi đây. Nhiều nhà quá nghèo, bố mẹ đi làm xa, nhiều em học sinh sống cùng với ông, bà đã quá già yếu.
Chỉ là học sinh lớp 1, lớp 2 đã phải đi hái măng, rau dại, mò cua bắt ốc, nấu cơm, các em phải tự lo cho chính mình và ông bà nữa”. Điển hình là em Vi Văn Hiếu mới học lớp 2, ở cùng bà nội đã 70 tuổi và em mới 6 tuổi. Hàng ngày, ngoài giờ học, Hiếu phải nấu ăn cho 3 bà cháu dù bữa cơm hàng ngày chủ yếu là cơm chấm muối trắng. May mắn có thêm mấy cọng rau rừng luộc chín bỏ muối, bữa nào được coi là đại tiệc với 3 bà cháu thì có thêm mấy con ốc do Hiếu đi mò về. Hay như trường hợp của em Ngân Thị Thông, bố mẹ đã già yếu lại bệnh tật; anh trai bị bệnh tâm thần suốt ngày hết phá nhà, lại đòi tiền mua thuốc lá... Có thể nói, 28 học sinh tại Huổi Máy là 28 số phận, nhưng đều có điểm chung chịu đói mỗi buổi đến trường, chịu rét lúc đông đến, chịu ướt khi mưa về...
Chia tay Huổi Máy, hình ảnh in sâu trong tâm trí chúng tôi là những người thầy giáo “cắm bản” không khác nào những ông bố đang chăm chút cho đàn con thơ, từ con chữ đến cái ăn và sinh hoạt hàng ngày... Có các thầy, bản làng như được thổi một hơi ấm. Các thầy đang ươm những hạt giống nhỏ bé, ước vọng về một ngày mai tương sáng!
Đ. Thắng - N. Giáp