Văn hóa - Giáo dục

Ký ức hào hùng của người thầy giáo đi B

14:39, 20/12/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong ngôi nhà nhỏ gọn, ngăn nắp tại khối 1, phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Bá (SN 1947) trầm ngâm chia sẻ cho chúng tôi về những thăng trầm, kỷ niệm trong những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Dòng ký ức thời gian ác liệt mà đầy hào hùng giống những thước phim quay chậm, cứ hiện về, rõ ràng và đậm nét như mới xảy ra ngày hôm qua.

Ông Nguyễn Hồng Bá trao đổi với phóng viên về những năm tháng chiến tranh
Ông Nguyễn Hồng Bá trao đổi với phóng viên về những năm tháng chiến tranh

Lớn lên ở miền quê biển, chàng trai Nguyễn Hồng Bá sớm bộc lộ tính cách ham học hỏi. Thay vì theo nghiệp chài lưới hoặc làm nghề nông như bạn bè cùng trang lứa, ông Bá quyết định tu chí học tập, với ước mong được đứng trên bục giảng truyền dạy con chữ cho các em học sinh. Bằng sự quyết tâm và tinh thần cầu tiến, mong ước của bản thân và gia đình đã sớm được thực hiện. Tháng 9/1968, ông Nguyễn Hồng Bá tham gia giảng dạy cấp 2 tại huyện Tân Kỳ.

Cũng vào lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào giai đoạn cam go và khốc liệt nhất. Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng (bố là đảng viên ưu tú giai đoạn 1930 - 1931) nên cũng dễ hiểu, khi nhà trường vừa phát lệnh tổng động viên lên đường, ông Bá nhanh chóng hưởng ứng. “Khí thế kháng chiến lúc đó sôi động và quyết liệt lắm, nhiều người còn khai thêm tuổi để được vào chiến trường. Mong ước được đóng góp chút sức lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khiến những người trẻ như chúng tôi không chút ngại ngần, quyết tâm lên đường”, ông Bá bồi hồi chia sẻ. Chính lòng yêu Tổ quốc và niềm tin về ngày đại thắng đã khiến chàng trai trẻ gầy gò, chỉ quen với bút giấy, con chữ tạm gác giấc mơ giảng đường để cùng đồng đội vào Nam.

Tháng 1/1971, ông Nguyễn Hồng Bá gia nhập quân đội, khi chưa mãn tang người cha thân yêu đã mất đột ngột vì bệnh trọng. Trước khi đi B, ông cùng các đồng đội tham gia huấn luyện 5 tháng tại Đoàn 200 ở Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu. Đó là khoảng thời gian rèn luyện để một thầy giáo trẻ biết cách cầm súng, cách di chuyển, tránh bom, với vô vàn những tình huống hiểm nguy nơi chiến trường.

Tháng 5/1971, ông Bá lên đường đi chiến trường B2 - Đông Nam Bộ. Đây cũng là thử thách đầu tiên với ông. Ba tháng đằng đẵng đi sâu trong rừng trên con đường Trường Sơn, chỉ ăn cơm nắm, uống nước suối. Lúc đó, những chàng trai trẻ đôi mươi như ông thèm nghe một tiếng gà gáy, một tiếng ru con, thèm nhìn thấy bóng khói lửa lam chiều lắm. Tôi cứ cố hình dung, trong ba tháng trời đó, ông Bá và những người lính trẻ đã nghĩ gì, mơ ước gì? Là ngày giải phóng, là lá thư đến được tận tay mẹ già hậu phương, hay dòng thư tình viết vội mà chưa kịp gửi... Chỉ biết rằng, mọi thứ đành tạm gác một bên, biến thành động lực để họ tiếp tục hành trình khốc liệt đang chờ mình ở phía trước, dâng hiến tuổi xuân cho đất nước, cho ước mong ngày thống nhất vẹn toàn.

Sau chặng đường hành quân, đến tháng 8/1971, ông Bá sang tập kết ở tỉnh Stung Treng (Campuchia). Vì lý do sức khỏe do cơn sốt rét ác tính, ông Bá được bổ sung về Đoàn Hậu cần 770, vừa là đường dây đưa quân ta vào ra, vừa cung cấp vũ khí cho tiền tuyến; đồng thời, khi có lệnh lại trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường. Tháng 10/1972, trong một lần cố gắng bảo vệ tài liệu trước làn bom thù, ông Bá bị thương ở vùng đầu. Vết thương khá nặng nên ông phải điều trị tại C23. Thế nhưng, khi vừa mới phục hồi sức khỏe được ít ngày, ông lại xung phong tiếp tục lên đường, cùng đồng đội về Lộc Ninh chuẩn bị chiến dịch phục vụ cho Hội nghị bàn tròn ở Paris (Pháp).

Đến tháng 3/1974, ông lại về tham gia chiến đấu ở Bù Gia Mập, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước), rồi cùng đơn vị chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh tại mặt trận Sông Bé. Từ tháng 4/1974 đến ngày 30/4/1975, ông trực tiếp tham gia đợt tổng tiến công vào Sài Gòn. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông về làm trợ lý cho Ban tham mưu Kế hoạch 770 đóng quân ở Đồng Xoài (Bình Phước). Tháng 4/1976, ông Bá được xuất ngũ trở về địa phương, là thương binh và tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục TX Cửa Lò.

Trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi bàn chân đã đặt lên khắp các chiến trường, đã chứng kiến hàng ngày, hàng giờ sự khốc liệt của chiến tranh, ông Bá vẫn không nguôi nỗi nhớ về đồng đội, những người đã sát cánh bên mình. Đó là cựu chiến binh Trần Văn Phượng, người bạn dạy cùng một trường, cùng tham gia nhập ngũ một ngày, hy sinh trong chiến dịch Sông Bé, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Bình Phước. Là anh Trịnh Hữu Phi (người ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ) bị mất chân trái khi tham gia mặt trận Sông Bé. Là những đồng đội mới hôm trước còn bên nhau nhóm bếp Hoàng Cầm, hôm sau đã hy sinh. Là những lần trèo đèo vượt dốc Nguyễn Chí Thanh 1.100 bậc thang; là những lần hành quân liên tục 10 tiếng đồng hồ một ngày đến mệt lả...

“Tôi thấy mình thật sự may mắn, vì còn sống và được chia sẻ câu chuyện này cho các thế hệ sau. Bởi rất nhiều đồng đội của tôi, ra đi khi chưa biết tình yêu đầu đời, là con trai duy nhất trong gia đình. Và ngày về, chỉ còn là giấy báo tử...", ông Bá ngậm ngùi chia sẻ.

Sự may mắn như ông Bá sẻ chia, một phần cũng xuất phát từ tình yêu gắn kết mà ông dành cho người phụ nữ thủy chung, kiên trung chờ đợi ông trong suốt 5 năm ra chiến trường, đã được đền đáp trọn vẹn. Trong thời gian đi B, ngoài gửi thư về cho mẹ già, ông còn trao gửi yêu thương cho người con gái cùng dạy học ở Tân Kỳ - bà Bùi Thị Hồng Biên. Đều xa nhà (bà Biên quê ở Đô Lương), là đồng nghiệp gặp nhau trên miền đất mới, thầm yêu trộm nhớ, rồi nảy sinh tình cảm trước khi ông Bá lên đường nhập ngũ. Mọi nhớ thương chỉ biết trao gửi qua những lá thư kết nối tiền tuyến - hậu phương. 5 năm ông đi chiến đấu, bà ở nhà trọn vẹn tình cảm sắt son. Ngày trở về, khi hai miền Bắc - Nam đã sum họp một nhà, ông và bà tổ chức đám cưới đơn sơ, giản dị.

Cũng nhờ truyền thống gia phong nên hiện nay, các con của ông bà đều trưởng thành, là những cán bộ, công chức mẫn cán. Những lúc có điều kiện thuận lợi, ông lại tìm cách liên lạc, gặp gỡ bạn bè, đồng đội ngày xưa để tâm sự, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Hiện, niềm vui mỗi ngày của ông là hoàn thiện những trang hồi ký để kể lại, truyền dạy cho con cháu giá trị của hòa bình, độc lập.

“Chuyện của tôi giản đơn và bình thường lắm, còn nhiều người nổi bật và thành tích tiêu biểu hơn”, ông Bá cứ khiêm tốn khi tôi đề cập viết bài. Thế nhưng, với người viết, mọi đóng góp dù nhỏ nhất cho độc lập, tự do của dân tộc là đã xứng đáng để hậu thế dành sự ngưỡng mộ và tôn kính. Chính lớp lớp cha ông, những người lính Cụ Hồ đã dâng hiến thanh xuân để chúng tôi được sống trong hòa bình, yên ấm hôm nay; những người lính đã không tiếc xương máu, tính mạng, chỉ biết tận trung chiến đấu để gìn giữ cho non sông gấm vóc  nước Việt...

Mai Hậu

Các tin khác