Văn hóa - Giáo dục
123 trường mầm non của 118 xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí nấu ăn bán trú
(Congannghean.vn)-Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí để hợp đồng lao động phục vụ việc nấu ăn bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020, trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ kinh phí thuê lao động nấu ăn bán trú cho trẻ |
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ, hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách cho trẻ em trước khi vào lớp 1. Việc chăm lo phát triển giáo dục mầm non, đảm bảo mọi trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, công bằng, bình đẳng là trách nhiệm của các cấp, ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên, ở các địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh, do nhận thức về vấn đề dinh dưỡng của cha mẹ trẻ còn hạn chế; điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp nên công tác tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc bán trú cho trẻ tại trường còn nhiều bất cập. Theo thống kê của ngành Giáo dục Nghệ An, toàn tỉnh có 118 xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Tại các xã đặc biệt khó khăn, cấp học mầm non có 123 trường công lập với 501 điểm trường; không có trường dân lập, tư thục.
Qua kết quả khảo sát năm học 2018 - 2019, 77,3% số trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn đang phải tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ bằng hình thức “bán trú dân nuôi”. Cụ thể, có 95 trường mầm non tổ chức bán trú dưới hình thức “bán trú dân nuôi”, trong đó, 398 điểm trường trẻ ăn trưa tại trường bằng suất cơm do cha mẹ chuẩn bị ở nhà mang tới trường. Có 28 trường có điều kiện vận động xã hội hóa đã vận động cha mẹ trẻ đưa lương thực, chất đốt và một phần kinh phí để thuê khoán người nấu ăn hoặc vận động giáo viên, phụ huynh nấu ăn cho trẻ tại trường.
Ở các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An, từ năm 2018, trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo học ở các trường mầm non đã được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, do đời sống của đồng bào miền núi còn hết sức khó khăn nên nhà trường không thể huy động tiền đóng góp của cha mẹ trẻ để chi trả hợp đồng người nấu ăn bán trú tại trường. Trong khi đó, ngân sách chi thường xuyên cho các trường mầm non chỉ mới đảm bảo chi trả lương và các chi phí hành chính và hoạt động chuyên môn của trường.
Hình thức “bán trú dân nuôi” tuy linh hoạt, nhân văn nhưng lại phụ thuộc vào điều kiện mỗi gia đình nên không đảm bảo chế độ và cân đối dinh dưỡng cho trẻ; luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với trẻ do nguồn thức ăn đưa từ gia đình đến trường không được kiểm soát. Qua đánh giá tình trạng dinh dưỡng cuối năm học 2018 - 2019, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các xã đặc biệt khó khăn đang ở mức trên 9%; cao hơn so với bình quân chung cả tỉnh từ từ 3,6 - 6,5%.
Để cải thiện tình trạng trên, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ ngân sách để giúp các trường ở các xã đặc biệt khó khăn tổ chức bán trú tại trường theo Chương trình Giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành. Căn cứ Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 06/2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, các trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ kinh phí để thuê khoán người nấu ăn cho trẻ theo định mức bằng 135% mức lương cơ sở/tháng/35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo, số dư từ 20 trẻ trở lên được tính thêm 1 lần định mức; nhưng mỗi trường được hưởng tối đa không quá 5 lần định mức/tháng. Thời gian hỗ trợ: Không quá 9 tháng/năm. Thời gian thực hiện: Từ ngày 1/1/2020. Kinh phí hỗ trợ do ngân sách tỉnh đảm bảo từ nguồn sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, năm 2020 là hơn 9,6 tỉ đồng; từ năm 2021 là hơn 10,4 tỉ đồng/năm. Khi mức lương cơ sở tăng, kinh phí hỗ trợ hàng năm sẽ tăng thêm theo tỉ lệ tăng của mức lương cơ sở.
Việc thông qua Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú cho trẻ đang theo học tại các trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn; đảm chế độ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em ở độ tuổi mầm non; góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thu Thủy