Văn hóa - Giáo dục

Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

09:16, 10/12/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Về với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, nhắc đến Nghệ nhân ưu tú Sầm Thị Vinh không ai là không biết. Bà là một trong số ít người còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Nghệ nhân Sầm Thị Vinh (ngoài cùng bên trái) trình diễn điệu hát dân ca của dân tộc mình
Nghệ nhân Sầm Thị Vinh (ngoài cùng bên trái) trình diễn điệu hát dân ca của dân tộc mình

Nghệ nhân Sầm Thị Vinh năm nay vừa tròn 70 tuổi. Bà chia sẻ: “Năm 14 tuổi, tôi được mẹ dạy cho những câu từ đầu tiên trong các làn điệu dân ca của người Thái. Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng. Tôi thường theo đoàn đi biểu diễn văn nghệ cho đến khi về già truyền lại cho con cháu, người dân trong bản”.

Để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình, bằng niềm đam mê, tâm huyết, cứ đều đặn 2 tuần 1 lần, tại nhà văn hóa của bản Hoa Tiến, nghệ nhân Sầm Thị Vinh lại đứng lớp, tổ chức dạy cho người dân ở mọi lứa tuổi trong CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Thái xã Châu Tiến. Những điệu dân ca của người Thái như hát suối, lăm, nhuôn, hắp lai… được lấy cảm hứng từ đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân và những câu chuyện về các anh hùng trong truyền thuyết của đồng bào cứ thế vang lên.

Nghệ nhân Sầm Thị Vinh cho biết, “học sinh” đến lớp rất đông, với một niềm yêu thích thật sự. Đó là những người con của dân tộc Thái, không chỉ trong bản Hoa Tiến mà từ các bản làng khác. Họ đến đây ngoài tìm niềm vui còn có mong muốn được lưu giữ di sản văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, để hát được các làn điệu dân ca của người Thái không phải là điều dễ dàng. Ngoài việc biết tiếng Thái, người hát còn phải rèn các kỹ năng như cách lấy hơi, luyến láy, nhả chữ sao cho tròn vành, rõ chữ. Mỗi làn điệu lại có cách hát, nhịp, quy tắc khác nhau nên nếu không yêu thì thật sự không hát được.

Mỗi điệu dân ca Thái phải có một chất giọng riêng, không lẫn vào đâu được. Ví như khi điệu hát nhuôn, thì giọng phải trầm, ngân nhiều, phải lấy hơi, hát giọng cổ. Trong khi đó, nếu hát điệu hát lăm phải nhịp điệu nhanh, đều, rộn ràng. Ở thể loại hát ru, cần phải sử dụng độ luyến láy nhiều hơn, làm thế nào để diễn tả được tình thiêng liêng mẫu tử. Ngoài việc nhớ cách hát cho đúng nhịp điệu, người học hát còn phải nhớ một số nội dung về quy tắc hát. “Ví như hát hắp lai, hát điệu kể về nhân vật anh hùng trong truyền thuyết của đồng bào người Thái, thì cần phải tuân thủ tuyệt đối với cốt truyện không được thêm, bớt điều gì. Một số tác phẩm tiêu biểu của thể loại hát hắp lai như Khủn Chưởng, Khủn Tính, Âm phủ, Hưn Phả Bủn... Trong khi đó, với những điệu hát còn lại, người hát có thể tự do sáng tác, thêm thắt vào những câu hát phù hợp với hoàn cảnh.”, nghệ nhân Sầm Thị Vinh cho biết thêm.

Ngoài việc đứng lớp tại bản, nghệ nhân Sầm Thị Vinh còn được mời tham gia đứng lớp giảng dạy tại các địa bàn lân cận…Tiếng hát của bà có sức lan tỏa, đi tới đâu, bà cũng được mọi người biết đến. Nghệ nhân Sầm Thị Vinh chia sẻ: “Được gia đình ủng hộ, nhất là chồng nên tôi mới có thời gian thu xếp việc gia đình để tham gia dạy hát cho người dân. Với tôi, tất cả chỉ là niềm đam mê, mong muốn truyền dạy những giá trị  truyền thống mà cha ông để lại…”.

Có thể nói, điệu hát, ca từ dân ca Thái không thể thiếu trong văn hóa cộng đồng của người dân tộc Thái. Vào mùa lễ hội hay cả những lúc lao động, bà con dân bản lại cất vang câu hát để giãi bày tâm trạng của mình, đó là niềm vui, háo hức, là an ủi, động viên như để tiếp thêm tinh thần mỗi khi mệt mỏi…

Đã có thời gian, lớp trẻ ở bản không còn mặn mà với việc học, giữ lấy những làn điệu dân ca truyền thống. Vài năm trở lại đây, nhờ các đề án bảo tồn, như thành lập CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái xã Châu Tiến, với tinh thần, trách nhiệm của một người cố vấn cho CLB, nghệ nhân Sầm Thị Vinh đã giúp cho giới trẻ dần hứng thú hơn với việc học những làn điệu dân ca truyền thống; từ đó, góp phần gìn giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Bà xứng đáng được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Phan Tuyết

Các tin khác