Văn hóa - Giáo dục
Hỗ trợ kinh phí cho hợp đồng lao động nấu ăn tại các trường mầm non công lập ở các xã khó khăn
09:47, 09/12/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bên cạnh công tác dạy, trông trẻ thì đội ngũ lao động làm nhiệm vụ nấu ăn (hay thường gọi là nhân viên cấp dưỡng) cũng là một trong những bộ phận quan trọng ở bậc học Mầm non. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Bộ Nội vụ ngày 16/3/2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, không có vị trí việc làm đối với lao động nấu ăn. Vì thế, chưa có quy định đặc thù đối với vị trí này.
Thực tế hiện nay, các trường không được ký hợp đồng lao động mà chỉ thực hiện thoả thuận khoán việc rồi thu tiền của phụ huynh (tiền này được tính trong tiền ăn hàng tháng của trẻ) để trả tiền lương hàng tháng cho đội ngũ lao động nấu ăn. Nói cách khác, việc ký kết hợp đồng là thỏa thuận giữa lao động nấu ăn và phụ huynh, số tiền chi trả do cha mẹ học sinh đóng góp, ngân sách không có khoản nào quy định cho vị trí lao động nấu ăn. Tuy nhiên, tại khu vực đặc biệt khó khăn, nhất là ở các huyện miền núi, mặc dù theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 Quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và chính sách với giáo viên mầm non, thì trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo học ở các trường mầm non tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, đã được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa. Song, do đời sống của đồng bào nơi đây còn khó khăn nên hầu hết các trường mầm non không thể huy động tiền đóng góp của phụ huynh để chi trả cho hợp đồng lao động nấu ăn.
Hỗ trợ kinh phí cho hợp đồng lao động nấu ăn tại các trường mầm non công lập ở các xã khó khăn góp phần huy động, duy trì sĩ số trẻ ở trường và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện |
Trên địa bàn Nghệ An, theo số liệu của Sở GD&ĐT, hiện toàn tỉnh có 129 trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, có 101 trường mầm non tổ chức bán trú dưới hình thức “bán trú dân nuôi” (chiếm tỉ lệ 78,3%). Cụ thể, có 426 điểm trường lẻ trẻ ăn trưa tại trường bằng suất cơm do cha mẹ chuẩn bị ở nhà mang tới; 50 điểm trường cha mẹ góp thêm thực phẩm, chất đốt, nhà trường vận động cha mẹ cử người phối hợp với giáo viên nấu thêm canh cho trẻ ăn trưa tại trường. Tại 28 trường còn lại, việc tổ chức bán trú được thực hiện xã hội hóa bằng hình thức vận động phụ huynh hỗ trợ lương thực, chất đốt và một phần kinh phí để thuê khoán người nấu ăn hoặc vận động giáo viên, phụ huynh nấu ăn cho trẻ tại trường. Qua đánh giá tình trạng dinh dưỡng cuối năm học 2018 - 2019, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các xã đặc biệt khó khăn đang ở mức trên 9%; cao hơn so với bình quân chung cả tỉnh từ 3,6 - 6,5%.
Trước thực tế này, Sở GD&ĐT cho biết, hiện Sở vừa có văn bản xin hỗ trợ kinh phí để hợp đồng lao động phục vụ việc nấu ăn bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, sẽ hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh, để 129 trường mầm non công lập thuộc 123 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh được tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ tại trường theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành. Dự thảo cụ thể như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo được hỗ trợ 1 định mức để hợp đồng nấu ăn bán trú. Số lần định mức hỗ trợ tối đa: 5 lần định mức/trường. Kinh phí hỗ trợ cho một lần định mức bằng 135% mức lương cơ sở/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng/năm.
Đây là một chủ trương có tính nhân văn và có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng mong mỏi của các trường bấy lâu. Đồng thời, tạo điều kiện để các trường mầm non tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc bán trú cho trẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi từ 0 - 6 tuổi.
THU THỦY