Văn hóa - Giáo dục

Sẽ thi theo hình thức nào sau khi 'khai tử' chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C?

10:03, 13/12/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Sau khi Bộ GD&ĐT "khai tử" chứng chỉ ngoại ngữ hệ A-B-C, việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ sẽ thực hiện theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được quy định tại Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24-1-2014.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên. 
 
Theo đó, từ ngày 15-1-2020, các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT sẽ bị bãi bỏ. Vấn đề được nhiều người quan tâm là việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ từ ngày 15-1-2010 sẽ được thực hiện theo hình thức nào?
 
Chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C ra đời từ năm 1993 (Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30-1-1993 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình tiếng Anh thực hành A,B,C) dùng để đánh giá trình độ Anh ngữ của người học tiếng Anh tại Việt Nam. 
 
Đối tượng sử dụng các loại chứng chỉ này đa phần giáo viên, viên chức, người chuẩn bị thi vào làm viên chức nhà nước, hoặc tiêu chuẩn để nâng ngạch công chức... 
Sau 27 năm, chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C sẽ được “khai tử” từ ngày 15-1-2020.
Sau 27 năm, chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C sẽ được “khai tử” từ ngày 15-1-2020.
Như vậy, sau 27 năm tồn tại, chứng chỉ A, B, C sẽ chính thức được “khai tử” từ ngày 15-1-2020. 
 
Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định bãi bỏ hình thức thi và cấp chứng chỉ này là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với điều kiện hiện nay. Lý do là trong suốt nhiều năm qua, việc thi và cấp chứng chỉ A, B, C chủ yếu mang tính hình thức, không đảm bảo chất lượng, không phản ánh được thực chất năng lực người học. 
 
Nhiều người không có kiến thức về ngoại ngữ, không nghe hiểu và nói tiếng Anh được nhưng vẫn có trên tay những “chứng chỉ ngoại ngữ” trình độ A,B,C như một cách “làm đẹp” hồ sơ. 
 
Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều trung tâm ngoại ngữ được mở ra chủ yếu để “bán” chứng chỉ mà buông lỏng, thả nổi về chất lượng, không ai kiểm soát.
 
Sau khi Bộ GD&ĐT "khai tử" chứng chỉ ngoại ngữ hệ A-B-C, việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ sẽ thực hiện theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được quy định tại Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24-1-2014. 
 
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng cho các chương trình đào tạo ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ và người học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. 
 
Khung năng lực ngoại ngữ được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu Châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. 
 
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc được chia làm 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp) và 6 bậc (từ Bậc 1 đến Bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR). Các kỹ năng cần đạt bao gồm nghe, nói, đọc, viết với từng yêu cầu cụ thể cho các bậc. Thời hạn sử dụng của chứng chỉ ngoại ngữ do đơn vị sử dụng nhân lực quy định tùy thuộc yêu cầu công việc. 
 
Hiện nay có 9 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Vinh.

Huyền Thanh

Các tin khác