Văn hóa - Giáo dục

Lưu giữ làng nghề nồi đất truyền thống

08:55, 23/12/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Nghệ An là mảnh đất nổi tiếng có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Từ lâu, người dân xã Trù Sơn, huyện Đô Lương đã nức tiếng với tay nghề làm nồi đất. Những chiếc nồi đất mang đậm dấu ấn hồn quê, dân tộc đều do bàn tay khéo léo của người phụ nữ làng Trù tạo ra. Hiện, đây là nơi duy nhất của tỉnh làm ra các loại nồi bằng đất trong hàng trăm năm qua.
Người dân Trù Sơn quyết tâm giữ lấy nghề truyền thống làm nồi đất                             mà cha ông để lại
Người dân Trù Sơn quyết tâm giữ lấy nghề truyền thống làm nồi đất mà cha ông để lại
Về làng nghề nồi đất xã Trù Sơn, huyện Đô Lương vào những ngày cuối năm, nhà nhà đang “đỏ lửa” đốt lò nung nồi. Một không khí nhộn nhịp, khẩn trương, không chỉ có những bậc cao niên, các mẹ, các chị với hàng chục năm trong nghề mà còn có sự góp sức của các thanh, thiếu niên trong làng. 
 
Nghề nồi đất có từ khi nào người dân làng Trù cũng không ai hay, họ chỉ biết là do tổ tiên, cha ông mình để lại. Nghề tuy vất vả, thức khuya dậy sớm nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân nơi đây. Cùng với thời gian, bí quyết làm nghề truyền thống được truyền qua bao thế hệ. Nghề này ít vốn, tự lấy sức lao động mình là chính. Trước đây, chủ yếu là nam giới tuổi đời từ 18 - 55 tuổi trực tiếp đưa xe thồ đến xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc lấy đất sét - nguyên liệu chính. Đất này được đưa về thái mỏng, đâm nhuyễn trộn với nước. Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đã cho ra những sản phẩm nồi đất. Xong công đoạn làm nồi, để sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua quá trình đốt và nung trong lò. Người dân ở đây, mỗi nhà trực tiếp xây một cái lò. Khi sản phẩm đã nặn xong, họ xếp nồi trên đế lò phủ rơm rạ, lấy lá bổi đun, nung ngoài trời khoảng 3 tiếng đồng hồ là có một sản phẩm nồi đất hoàn chỉnh.
 
Những năm 80 của thế kỷ trước, làng nghề nồi đất Trù Sơn phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, có thời gian, làng nghề truyền thống độc đáo này bị mai một. Những năm trở lại đây, những bậc cao niên trong làng quyết tâm giữ lấy nghề. Sản phẩm gốm Trù Sơn chủ yếu là nồi nhưng khá đa dạng, có nồi to nấu nước, nồi thường nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt cá, đến các loại siêu sắc thuốc Bắc… Hiện nay, các hộ làm nghề đã tạo ra nhiều loại sản phẩm mới như giỏ treo phong lan, ống đựng tiền tiết kiệm... Thị trường tiêu thụ chủ yếu dựa vào những người buôn nồi bằng xe thồ ở Yên Thành đi đến các tỉnh như: Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận… Vài năm trở lại đây, tại các nhà hàng, khách sạn và làng nghề kho cá truyền thống phát triển nên sản phẩm nồi đất Trù Sơn được ưa chuộng, sử dụng nhiều nơi. 
 
Bà Nguyễn Thị Phú (70 tuổi) trú tại xóm 10, xã Trù Sơn cho biết, bà làm nghề từ khi 10 tuổi, nghề tuy vất vả nhưng một tay bà gây dựng cơ ngơi và nuôi con ăn học. Hiện nay, sản xuất nồi đất mùa chính là từ tháng 9 - 12 âm lịch hàng năm. Dịp gần Tết, mỗi tuần thường nấu 2 mẻ. Ngày thường, sau khoảng 10 ngày, mỗi gia đình sẽ cho ra lò một mẻ nồi.
 
Trước đây, người dân trong toàn xã làm nghề này thì hiện nay chỉ còn 4/16 xóm làm nghề nồi đất là xóm 10, 11, 12 và 13. Bình quân mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục nghìn sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Nhiều người dân Trù Sơn vẫn có ý thức giữ nghề,  bởi với họ đó không chỉ là mưu sinh mà còn là một cách để lưu giữ, bảo tồn giá trị truyền thống mà cha ông xưa để lại.
 
Để tìm hướng đi cho việc duy trì bảo tồn nghề gốm, những năm qua, các cấp, ban, ngành đã có nhiều chính sách. Thực hiện đề án về việc khôi phục các làng nghề, trong đó có làng gốm cổ Trù Sơn, người dân có cơ hội được ra tham quan, học hỏi tại làng gốm Bát Tràng và  những cuộc hội thảo về phục hồi, duy trì và phát triển làng nghề làm gốm Trù Sơn. Những năm trở lại đây, làng nghề nồi đất khởi sắc bởi có sự đóng góp của các hoạt động du lịch trải nghiệm.  Mới đây, Bảo tàng Nghệ An tổ chức  cuộc triển lãm về chuyên đề gốm sứ truyền thống Việt Nam. Tại đây, du khách thích thú khi được trực tiếp trải nghiệm làm nên những chiếc nồi đất dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề gốm Trù Sơn, huyện Đô Lương. 

Phan Tuyết

Các tin khác