Văn hóa - Giáo dục
Cuồng ghen
Họ hàng, bạn bè đều bảo tôi may mắn, có phúc vì lấy được chồng hiền. Chị Thảo, làm cùng bệnh viện với tôi còn đọc cả ca dao cho tôi nghe:
“Mẹ cha cho bạc cho tiền
Không bằng lấy được chồng hiền sướng thân”.
Đúng là Tuấn hiền thật. Anh ít nói, dường như không to tiếng với ai bao giờ, lại không rượu bia, thuốc lá, nhậu nhẹt. Quen nhau hơn một năm, chúng tôi làm đám cưới. Bệnh viện nơi tôi làm việc cùng tuyến đường đến Công ty của Tuấn nên hàng sáng anh chở tôi đi làm, chiều hết giờ anh lại ghé đón tôi đều như vắt chanh. Cảnh vợ chồng son lúc nào cũng dính với nhau như sam khiến bạn bè tôi có chút ghen tị.
Anh Cường, Trưởng khoa bảo tôi: “Em Vân là người hạnh phúc nhất quả đất đấy nhé! Có chồng đưa đi, đón về hàng ngày…Phải phong tặng chồng cô Vân danh hiệu Người chồng quốc dân mới phải!”. Tôi vui vui trong lòng và thầm hãnh diện về Tuấn.
Một chiều, tôi xách túi ra về, tới cuối sân thì gặp anh Cường. Anh kéo tôi đứng lại dặn dò mấy việc cần phát biểu vào buổi giao ban sáng mai. Vô tình, Tuấn đang đợi tôi ngoài cổng viện, nhìn thấy. Trên đường chở tôi về, Tuấn tra hỏi: “Em nói chuyện gì với ông ấy mà xoắn xuýt thế?”. “Trưởng khoa nói em nội dung giao ban sáng mai ấy mà!”.
Tuấn sẵng giọng: “Lần sau, tuyệt đối cấm em không được nói chuyện với đàn ông giữa sân như thế, nghe chưa!?”. Tôi ngạc nhiên: “Ơ! Có gì đâu mà anh lại cấm em vô lý thế nhỉ, sếp em toàn bàn công việc cơ quan mà!”.
Tuấn lầm bầm: “Không biết! Chỉ biết em là gái có chồng rồi, cấm tiệt giao tiếp với đàn ông, thế thôi!”. Tôi vặc lại: “Anh thật ghen tuông vô lối, làm gì có quy định gái có chồng là phải khóa mồm khóa miệng không tiếp xúc với ai?! Thế ra là em phải bị câm khi lấy anh à? Chỉ có em sống một mình trên đảo hoang mới làm anh yên tâm thôi à”…
Mấy tháng sau, trụ sở công ty Tuấn chuyển địa điểm, Tuấn đi ngược đường với Bệnh viện của tôi. Sáng dậy, hai vợ chồng mỗi đứa một xe máy lao đi hai ngả khác nhau. Tuấn trở nên ít nói và tỏ ra chiều chuộng vợ kỹ hơn trước. Sáng, Tuấn dậy sớm, dắt xe cho vợ ra tận cổng. Chiều tôi đi làm về, Tuấn lại chạy ra dắt xe vào sân cho tôi, dựng chân chống cẩn thận. Tôi cảm động trước sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của anh.
Bỗng một chiều, sau khi dựng xe cho tôi ở góc sân, Tuấn gọi tôi ra, tròn mắt, hỏi: “Này, hôm nay em đi đâu mà xăng cạn mất bốn, năm vạch, hả?! Mọi hôm, từ nhà đến Bệnh viện, cả đi và về, chỉ tiêu hao hai vạch xăng là cùng! Em nói thật đi, hôm nay em đi đâu?!”.
Minh họa: Thành Chương. |
Tôi giật mình. Ra là Tuấn theo dõi việc di chuyển của tôi qua kim đồng hồ báo xăng. Tôi buồn và cảm thấy bị xúc phạm nhưng vẫn bình tĩnh giãi bày: “Em lên Bộ nộp Báo cáo. Nhưng anh không tin em thì yêu em làm gì!?”. Tuấn cãi: “Yêu thì mới ghen chứ! Em không chứng minh cho anh hiểu, anh còn theo dõi…Coi chừng đấy!”.
Một hôm, tôi dắt xe ra cổng Bệnh viện, vô tình gặp cô bạn cũ, học cùng hồi phổ thông. Lâu ngày gặp nhau, hai đứa chuyện trò qua lại ríu rít. Mải chuyện với bạn, tôi về nhà muộn hơn mọi ngày. Tuấn đợi tôi ở sân, dắt xe máy cho tôi nhưng mắt không rời cái đồng hồ đo xăng. Đoạn, anh ta lại vén tay áo xem đồng hồ: “Xăng thì không hao, nhưng em đi đâu mà về muộn hơn hai mươi phút? Em nói thật đi!”. Tôi chẳng buồn trình bày, giải thích, lẳng lặng đi vào bếp.
Biết chuyện ghen tuông của Tuấn, chị Thảo, cùng khoa với tôi phẫn nộ: “Em nên nói thẳng với Tuấn, nếu không tin nhau, bỏ quách đi cho nhẹ nợ! Đàn ông đàn ang gì mà nhỏ mọn, hèn thế không biết!”. Lát sau, chị Thảo cười, nói nhỏ: “Mà cũng tại mày óng ả, xinh tươi, long lanh quá nên chồng mới ghen, chứ mày Thị Nở thì…nó mặc xác!”.
Lại một hôm, tôi phải ở lại họp đột xuất vì một ca phẫu thuật, bệnh nhân bị tai biến sau khi mổ. Cẩn thận, tôi đã gọi điện báo cho Tuấn, nhưng chồng tôi quát lên trong máy: “Muộn bao nhiêu phút? Cô nói rõ cho tôi biết! Đừng có viện cớ họp hành để tâm sự, nhăng nhít với thằng nào là chết với tôi đấy!”.
Họp xong, ra tới cổng viện, tôi đã thấy Tuấn lảng vảng ở quán nước chè chén, rồi nổ máy bám theo xe tôi. Tối hôm đó, tôi nhẹ nhàng nói với Tuấn: “Lần sau, nếu em bận phải về muộn, anh về trước chuẩn bị cơm nước đỡ em…chứ đợi em về nấu, vợ chồng ăn cơm muộn, vất vả ra!”. Tuấn nổi nóng: “Cô đừng có lý do lý trấu, họp với chẳng hành!?...Không có “lần sau” nữa đâu đấy!”. Tôi ức muốn phát khóc: “Hay là anh cho em vào túi của anh để quản lý cho yên tâm?!”.
Mươi hôm sau, tôi lại phải ở lại họp Khoa cuối giờ chiều. Tôi điện cho Tuấn. Anh bảo: “Lại hẹn hò với thằng nào, hả?!...Tôi sẽ đến kiểm tra xem cô có nối dối tôi không!”. Lần này, Tuấn lên hẳn phòng Trưởng khoa, nét mặt hầm hầm, đi đi lại lại ngoài hành lang tựa như sắp có cuộc tỷ thí với ai. Tan họp, tôi vừa mở cửa bước ra, Tuấn nắm tay tôi, không nói không rằng lôi xềnh xệch xuống sân. Tôi ngượng chín người, giằng tay ra: “Anh Tuấn! Đừng làm thế, người ta cười cho đấy!”. Chồng tôi lại lầm bầm: “Cười cái gì mà cười, vợ chồng đón nhau về, cười cái gì?!”.
Tôi giận Tuấn thì ít, nhưng buồn bực, ức chế vì chồng không tin tưởng, theo dõi tôi hàng ngày thì nhiều. Cuối tuần ấy, để đổi không khí cho đỡ căng thẳng, tôi nói với Tuấn về nhà bà ngoại ở mấy ngày. Tuấn lớn tiếng: “Không đi đâu hết! Lại viện cớ để hò hẹn, đi chơi với ai?!...Với ai?!”. Tôi bỗng trào nước mắt, lẳng lặng xách túi, dắt xe ra cổng. Tuấn lao theo, giữ xe tôi, nhưng tôi rồ ga phóng thẳng.
Đêm hôm đó, tôi đang nằm trên gác thì bỗng có tiếng va mạnh ngoài cửa sổ. Một, hai, ba…rồi liên tiếp là những cục gạch từ dưới đường ném lên cửa sổ phòng tôi. Bố mẹ tôi bật dậy, hốt hoảng: “Ai làm gì mà ném gạch đá lên nhà tôi thế?!”. “Vân đâu? Có về nhà không thì bảo!?...Vợ con gì mà bỏ chồng đi ngủ lang thế, hả?!”. Tuấn đứng dưới đường hét lớn. Bố mẹ dựng tôi dậy, giục giã: “Thôi, con về với nó đi! Chồng nó đã như thế, con phải khéo léo mà ứng xử…không khéo nó phá nhà này mất!?”. Thương bố mẹ, tôi lục tục trở dậy lấy xe về theo Tuấn.
Đợt ấy, tôi được bệnh viện cử đi Hội thảo khoa học ở Quảng Ninh ba ngày. Tôi mua sẵn đồ ăn trữ trong tủ lạnh, dặn chồng cách thức nấu nướng mỗi bữa. Tuấn bảo: “Anh cũng sẽ xin cơ quan nghỉ phép đi Quảng Ninh. Em ở khách sạn nào, anh sẽ ở cùng khách sạn ấy”.
Tưởng Tuấn nói dọa, nào ngờ anh ta đi thật. Tới nơi, vừa nhận phòng khách sạn, tôi đã thấy Tuấn xách túi đồ xuất hiện lừng lững ở lễ tân. Trong ba ngày hội thảo, Tuấn gọi điện thoại liên tục cho tôi, tối anh bắt tôi lên phòng anh ngủ cùng, đi đâu anh ta cũng theo sát đằng sau như một cái đuôi. Tôi bảo: “Anh làm em xấu hổ với cơ quan quá…Anh xem, cả đoàn làm gì có anh chồng nào bám đít vợ như anh không!?”.
Tuấn lý sự: “Thì bám vợ mình, có bám vợ hàng xóm đâu mà xấu hổ…Mà em cẩn thận cái thằng cha bác sĩ khoa sản, anh thấy nó cứ cười nói, mắt nhìn em cứ tít lên, gian lắm!”. Đi hội thảo về, Tuấn lục túi xách của tôi, lấy mấy cái ảnh ra xem rồi tra khảo: “Này, hai cái thằng ngồi cạnh em ở đâu đấy? Sao lại ngồi sát nhau thế?... Nhìn này, đùi hai thằng sát vào đùi em, trông ghê chưa?!”.
Tôi bảo: “Ngồi trong hội trường, công khai, giữa ban ngày ban mặt, chụp ảnh kỷ niệm tập thể nhân hội thảo, thế mà anh cũng…”. “Ngồi sát nhau thế, nó quờ tay là sờ được người em…ngồi thế mà được à?!”. Tôi bật khóc vì ức. Tuấn bồi thêm: “Đấy là có tôi đi theo cô đấy nhé. Không có tôi, chắc các người ăn ở với nhau cũng nên”.
Nhục nhã nhất là những đêm tôi đi trực ở bệnh viện. Tôi ngồi trong phòng, Tuấn ngồi ngủ gà ngủ gật ngoài hành lang; tôi xuống phòng cấp cứu, Tuấn lại lẵng nhẵng theo sau như cảnh sát áp giải tội phạm. Quá khó chịu, tôi bảo Tuấn: “Anh về nhà ngủ đi cho khỏe! Cứ lang thang ở cơ quan em, bảo vệ họ tưởng kẻ gian, họ giữ thì phiền phức lắm!”. Tuấn nhất định không chịu về, còn bắt chuyện làm quen với mấy người giúp việc đi chăm bệnh nhân đang nằm viện.
Lời tôi cảnh báo Tuấn quả không sai. Một đêm trực, Tuấn bám theo tôi đến bệnh viện. Khi tôi đang bận ở phòng cấp cứu thì Tuấn gọi điện: “Em xuống phòng bảo vệ cứu anh…họ đang giữ anh, lập biên bản…”. Thì ra Tuấn tụ tập cùng một số người đi chăm sóc người thân đang nằm viện, lập hội tá lả sát phạt nhau, nói cười ầm ĩ, còn cãi lộn làm mất trật tự bệnh viện giữa đêm khuya. Bảo vệ bắt được, lập biên bản nhưng cả Tuấn và mấy tay cờ bạc cãi lại, chống đối, buộc lòng họ phải gọi Công an phường đến mời tất cả lên trụ sở.
Tuấn bị giữ tại Công an phường đến gần sáng mới được về. Hôm sau giao ban, Giám đốc bệnh viện đưa vụ đánh bạc đêm qua thông báo toàn cơ quan, nhắc nhở đích danh tôi không được cho người nhà đến bệnh viện gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan. Tôi nhục nhã và ngượng chín người, nước mắt tự dưng ứa ra.
Dịp họp kiểm điểm, bình xét thi đua cuối năm, Chủ nhiệm khoa bất ngờ đưa tôi ra đề nghị tập thể đóng góp ý kiến về việc thiếu ý thức xây dựng bệnh viện, để chồng đến cơ quan tổ chức đánh bạc, lại còn có lời lẽ khiếm nhã với các bác sĩ, y tá trong khoa.
Qua ý kiến phát biểu của mọi người, tôi mới vỡ ra là Tuấn đã giấu tôi, bí mật tìm gặp riêng tất cả đàn ông từ già tới trẻ trong khoa tôi, yêu cầu mọi người “tránh xa” tôi ra, cảnh báo “nếu ai lằng nhằng với vợ tôi” sẽ cho ăn đòn đủ! Tôi bị mất điểm thi đua cả năm, cả khoa yêu cầu tôi “sửa chữa khuyết điểm”, nếu không tiến bộ sẽ đề nghị Ban giám đốc bệnh viện thi hành kỷ luật. Sau vụ ấy, tôi như người mắc bệnh truyền nhiễm, bị mọi người xa lánh khiến tôi lạc lõng, cô đơn giữa tập thể bệnh viện.
Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, cân nhắc, tôi quyết định làm đơn ly dị, chứ sống với nhau như thế này chỉ thêm đau khổ, ức chế, nhục nhã lắm. Chưa kịp đưa đơn cho Tuấn ký, tôi phát hiện mình có bầu. Tôi mất ngủ mấy đêm liền, nằm khóc một mình, thương cho thân phận hẩm hiu và thương cho đứa con bé bỏng còn nằm trong bụng mẹ.
Chị Thảo cùng bệnh viện lại khuyên tôi: “Chắc là cái số em nó đã an bài vậy rồi, bỏ nhau thì dễ nhưng còn đứa con, rồi còn tương lai của nó nữa chứ! Thôi, em cứ chịu nhún một chút, nhịn chồng mình chứ đâu phải người ngoài…Giá như em chưa có bầu, có lẽ dễ xử hơn!”.
Thương tôi, chị Thảo tìm gặp Tuấn, nói: “Chú đừng nghi ngờ gì vợ chú, cô ấy đàng hoàng, đoan chính, cả cơ quan đều biết…Chú làm vậy, chỉ tổ rạn nứt tình cảm gia đình, ảnh hưởng đến công tác của vợ, mình cũng mệt mỏi mà Vân lại đau đầu, khổ tâm, nó lại đang thời kỳ dưỡng thai nữa!”.
Tuấn nổi khùng với chị Thảo: “Chị kệ chuyện gia đình tôi! Tôi là chồng, tôi muốn thế nào là quyền của tôi. Cô ấy không chịu được thì cứ bỏ. Chuyện riêng tư của tôi, chị biết gì mà can thiệp! Các người cùng cơ quan, chỉ giỏi bênh vực, bao che cho nhau, tôi còn lạ gì!...”.
Biết tôi có thai, Tuấn chẳng những không động viên, hỏi han quan tâm, mà càng ngày càng trở nên quá đáng. Thấy tôi chểnh mảng việc ăn uống, Tuấn nói đổng: “Không biết chính xác cá của nhà mình hay không, nhưng cá vào ao nhà ta là ta được cái đã!”. Tôi xót xa và tủi thân, trách số phận mình sao bất hạnh, khổ sở về đường chồng con quá chừng.
Thời gian mang bầu, tôi mệt mỏi, chậm chạp, đi lại thường không đúng giờ giấc. Tuấn săm soi, gặng hỏi tôi đủ điều, nào là đi đâu, làm gì, gặp ai, nói những chuyện gì. Tôi chán ngán, câm lặng, chẳng buồn trả lời Tuấn. Có lẽ vì đầu óc quá căng thẳng về chuyện gia đình nên tôi bị ngã xe máy khi đi làm về. May có người cùng bệnh viện trông thấy, đưa tôi đi cấp cứu kịp thời. Cú ngã ấy làm tôi bị sảy thai. Tôi rã rời, mỏi mệt, hẫng hụt như người vừa bị cướp sạch cả tâm hồn lẫn thể xác. Hôm tôi ra viện, Tuấn lẩm bẩm: “Sảy có lẽ lại hay hơn đấy! Đẻ nó ra, vô phúc mà lại trông giống thằng cha nào ở bệnh viện thì hết cãi!...”.
Tôi lục tủ tìm lại cái đơn ly hôn, đưa cho Tuấn: “Anh ký đơn đi! Tôi không thể nào chịu đựng được anh thêm một ngày nào nữa!”. Tuấn cầm tờ đơn, không chút do dự, anh ta xé tờ đơn ra làm nhiều mảnh, những mẩu giấy trắng vụn bay lả tả xuống sàn nhà.
Đoạn, Tuấn ôm vai tôi, đổi giọng mềm mại: “Anh yêu em, anh không ký đơn…Anh yêu quá nên mới ghen như vậy mà”. Tôi uất hận bật khóc nức nở. Tối hôm đó, đợi lúc Tuấn đã ngủ say, tôi lại lụi hụi viết tờ đơn ly hôn khác. Sáng hôm sau, lúc tôi dắt xe máy ra cổng, Tuấn lại theo ra: “Này, nhớ đừng léng phéng với thằng nào, tôi mà bắt được là chết với tôi đấy!...”.
Cái kết của cuộc hôn nhân giữa tôi với Tuấn diễn ra theo hướng nào, chia ly hay tiếp tục, xin dành cho bạn đọc viết tiếp vào câu chuyện này. Với tôi, tôi đã thành thực chia sẻ hết với các bạn về những bức xúc, buồn khổ và đau đớn trong thời gian chung sống với người chồng ghen tuông kỳ cục trong cuộc hôn nhân này.
Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ
Nguồn: VNCA/Báo CAND