Văn hóa - Giáo dục
Gìn giữ giá trị chính thống, cách mạng của báo chí Việt Nam
14:57, 28/12/2019 (GMT+7)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, sáng 28/12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Không chỉ phản ánh những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương, báo chí còn là tiếng nói của nhân dân qua việc phản ánh nguyện vọng, kiến nghị, đóng góp kế sách và cả những ý kiến phê phán với trách nhiệm chung với đất nước và đầy tính xây dựng.
Cùng với đó những tấm gương tốt, cách làm hay trong bộ máy chính quyền và cả xã hội được nêu gương, từ đó, trực tiếp và gián tiếp đấu tranh với những tiêu cực, với cách làm không phù hợp lợi ích chung, xu thế mới.
“Nhờ đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện các chính sách tốt hơn, đồng thời định hình, định hướng ban hành chính sách mới. Một số công việc, nhiệm vụ, chính sách nhờ sự phản ánh, góp ý của báo chí đã được điều chỉnh kịp thời, phù hợp”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng lưu ý năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… cũng như các sự kiện đối ngoại như Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPO, Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Để phát huy những kết quả những năm qua, nhất là giai đoạn 2018-2019, yêu cầu hành động, sáng tạo, hiệu quả dựa trên kỷ cương, liêm chính của Chính phủ sẽ được tiếp tục thực hiện và đòi hỏi sự dấn thân mạnh mẽ hơn với tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả phát triển kinh tế-xã hội, cần phải nhìn nhận các bất cập, hạn chế hiện nay. Đơn cử như tiềm lực trong dân còn rất lớn nhưng chưa được phát huy hết do môi trường sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại dù năm 2019, chỉ số cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 10 bậc.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số viện nghiên cứu cho thấy trên 55% DN vẫn khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được nhận diện, có giải pháp nhưng chưa khắc phục hoàn toàn. Trong bộ máy chính quyền vẫn còn những bộ phận vô cảm, chưa sát thực tế, chưa đúng lời Bác Hồ dạy cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Đây là những vấn đề đặt ra đối với báo chí khi đồng hành với Chính phủ, khi phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách và định hướng.
Đề cập đến những điểm tồn tại, bất cập trong lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng vai trò của các cơ quan chủ quản vẫn còn hạn chế. Một số cơ quan chủ quản vẫn chưa thực sự chú ý, dành nguồn lực cho cơ quan ngôn luận của mình cũng như trong việc cung cấp thông tin cần thiết cho báo chí.
Nhiều cơ quan chủ quản chỉ nhấn mạnh vai trò đơn vị báo chí trực thuộc là tiếng nói ngành mình, địa phương mình mà quên rằng mỗi tờ báo còn là tiếng nói của nhân dân. Chưa chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để báo chí thực hiện sứ mạng của mình.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những thách thức rất lớn của báo giới hiện nay. Đó là yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời, có tính định hướng nhưng cũng phải bảo đảm hình thức phù hợp với sự đòi hỏi của người dân, của hoàn cảnh mới.
Phần lớn các cơ quan báo chí đang phải tự lo một phần hoặc hoàn toàn về kinh tế, phải cạnh tranh với các phương tiện thông tin khác vốn không được coi là báo chí. Cùng với đó, việc sắp xếp, quy hoạch lại báo chí nhưng phải bảo đảm thông tin lan toả tới mọi ngõ ngách của đời sống nhưng đòi hỏi tính định hướng, tính chính thống không hề giảm, thậm chí cao hơn.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ, bằng hành động cụ thể, sẽ đề cao hơn nữa báo chí, nhất là vai trò “tiếng nói của nhân dân tới chính quyền”. “Tiếng nói ấy khi là góp ý phải được trân trọng, phải được phản hồi. Tiếng nói ấy khi là phê bình, nhắc nhở thì phải biết tiếp thu và tỏ lòng biết ơn”, Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị các cơ quan chủ quản dành sự quan tâm, lãnh đạo về thời gian, nguồn lực cho báo chí.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Một trong những nhiệm vụ của báo chí là phổ biến, động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, các biện pháp chính để phát triển kinh tế-xã hội của các bộ ngành, cơ quan nhà nước thì các cơ quan này phải dành nguồn lực con người, thời gian, kinh phí cho việc tuyên truyền, vận động. Hơn nữa, phải có chính sách ở tầm xa hơn để những lợi ích kinh tế của báo chí không bị xâm lấn một cách không phù hợp, không đúng pháp luật bởi các dạng thông tin khác đang cạnh tranh quảng cáo với báo chí.
“Để báo chí phát triển tốt nhất, các cơ quan hành chính phải gương mẫu trong cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp chuyên môn, nghiệp vụ, động viên về đạo đức nghề nghiệp”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn báo giới tiếp tục lớn mạnh, phát triển, giữ gìn các giá trị chính thống, cách mạng của báo chí Việt Nam. Từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn, vững chắc hơn của đất nước trong năm 2020. Chủ quyền quốc gia trên đất liền, biển, vùng trời, không gian mạng, không gian vũ trụ được giữ vững. Công cuộc chống tham nhũng, chống quan liêu, xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền tiếp tục được làm tốt hơn. Khát vọng của mọi người dân Việt Nam được khơi dậy, định hướng, tập hợp để đưa đất nước phát triển mạnh hơn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nguồn: Chinhphu.vn