Văn hóa - Giáo dục
Tuyển sinh đại học năm 2020: Giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi THPT
14:57, 26/12/2019 (GMT+7)
Nhìn vào phương án tuyển sinh được các trường đại học (ĐH) dự kiến áp dụng trong mùa tuyển sinh năm 2020 cho thấy, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (THPTQG), nhiều trường đã hướng đến tự chủ tuyển sinh với mong muốn có thể tuyển được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa vào đại học (ĐH) sẽ mở rộng hơn đối với thí sinh khi THPTQG không còn là con đường duy nhất.
Năm 2020, trường ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức, bao gồm: Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPTQG năm 2019; phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 và phương thức xét tuyển thẳng theo quy định riêng của trường.
Phương án tuyển sinh năm 2020 của Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cũng được xây dựng đa dạng hơn. Bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPTQG năm 2020, ĐHQGHN cũng mở rộng xét tuyển đối với các đối tượng thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK); Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi); Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi)...
Năm 2020, bên cạnh việc xét tuyển dựa vào kết quả thi THPTQG, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Tài chính, ĐH Thủy Lợi… cũng dự kiến sẽ tăng tỷ lệ tuyển thẳng đối với học sinh giỏi thuộc các trường THPT chuyên trên toàn quốc và xét tuyển học bạ.
Theo phương án tuyển sinh của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM, năm nay nhà trường xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định Bộ GD&ĐT với chỉ tiêu khoảng 4%; ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP HCM với chỉ tiêu khoảng 15%; xét tuyển bằng điểm thi THPTQG 2020, theo quy định của Bộ GDĐT với chỉ tiêu khoảng 40%; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia TP HCM với chỉ tiêu khoảng 40%.
Nhiều trường ĐH đang có xu hướng giảm dần tỷ trọng xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPTQG. Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, nhà trường còn xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi Quốc tế hoặc xét tuyển những thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài với chỉ tiêu khoảng 1%. ĐH Công nghệ TP HCM cũng sử dụng 4 phương thức xét tuyển cho gần 6.000 chỉ tiêu ở 47 ngành.
Các phương thức gồm xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2020, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển theo kết quả kỳ thi ĐGNL 2020 của ĐHQG TP HCM và xét kết quả kỳ thi ĐGNL do chính nhà trường tổ chức.
Năm 2020, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng sẽ dành 40% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả thi THPT, xét học bạ 30%, thi tuyển đầu vào do đại học này tổ chức 15%. Còn lại, trường dành cho hai phương thức xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi THPT quốc gia năm có 60-85% trong tổng chỉ tiêu, phương thức sử dụng học bạ THPT năm lớp 12 (điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển) chiếm 10-30%. Chỉ tiêu còn lại, trường tuyển theo phương thức mới là sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM tổ chức…
Nhìn vào phương thức tuyển sinh năm 2020 dự kiến của các trường ĐH trên cả nước, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng: Việc các trường ĐH, đặc biệt là trường top đầu đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT là xu hướng phù hợp và cần thiết.
Sự lựa chọn này cũng dễ hiểu khi mà độ tin cậy của kỳ thi THPTQG đã ít nhiều bị giảm sút sau bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương trong năm 2018. Cũng theo ông Khuyến, lẽ ra các trường cần phải làm điều này sớm hơn vì Luật giáo dục ĐH quy định rõ, các trường hoàn toàn được tự chủ lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình.
“Nhìn lại kỳ thi THPTQG những năm qua cho thấy, kết quả của kỳ thi này có thể đạt được mục tiêu xét tuyển ĐH đối với số đông các trường thuộc top giữa và top dưới. Với các trường top đầu, có thể chưa đạt được mục tiêu nên các trường này hoàn toàn có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ hoặc đa dạng các phương thức tuyển sinh để lựa chọn học sinh phù hợp.
Đã đến lúc các trường ĐH có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh ĐH phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPTQG” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Nguồn: CAND