Văn hóa - Giáo dục

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019)

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Giá trị lịch sử và hiện thực

08:16, 02/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 7/5/1954, cách đây 65 năm, ba chữ Điện Biên Phủ đã làm cho tiếng tăm dân tộc Việt Nam lừng lẫy khắp năm châu. Chiến thắng vang dội là động lực về sự thay đổi của thời đại trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng là sự đóng góp tích cực dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, tham gia có hiệu quả vào việc hình thành một thế giới bình đẳng giữa các dân tộc trong thời đại mới trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho truyền thống quật cường, bất khuất mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam - Ảnh tư liệu
Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho truyền thống quật cường, bất khuất mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam - Ảnh tư liệu

Nhà văn Thép Mới đã viết: “Nói đến Việt Nam ngày nay, bạn nước ngoài nghĩ ngay đến tên Hồ Chí Minh. Sau tên quý yêu của lãnh tụ ta, còn có một danh từ Việt Nam nữa mà người ở khắp thế gian vào nửa cuối thế kỷ 20 này khá thuộc - danh từ Điện Biên Phủ. Đối với đồng chí, anh em thân và bạn bè xa gần, danh từ đó bát ngát một niềm tự hào chung. Nó vang lên như kèn xung trận, hát mãi ngợi chào tự do, sáng như cả một rừng hoa ban và thơm mãi như hương lúa đồng quê, như cốm mới, như đời đời máu của chúng ta thơm thắm” (1).

Ngược dòng lịch sử, đến năm 1953, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã bước sang năm thứ 8. Quân đội ta ngày càng trưởng thành cả về thế và lực, đã làm chủ nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, Liên khu 5, Cao - Bắc - Lạng và một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Quân đội Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng và có nguy cơ thất bại về quân sự. Để cứu vãn tình thế nguy cấp, Chính phủ Pháp đã cử tướng Hăng-ri Na-va sang Việt Nam giữ trọng trách là Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường.

Đông Xuân 1953 - 1954, để đối phó với hướng tiến công chủ yếu của quân ta lên Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào, Na-va cho đổ quân xuống Điện Biên Phủ và nhanh chóng biến nơi đây trở thành một tập đoàn phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu với quân số lúc cao nhất là 16.200 tên.

Để đánh bại kế hoạch quân sự Na-va, làm thất bại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.

Nhận trọng trách từ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các đồng chí của mình đã bằng mọi cách huy động tổng lực của quân và dân cả nước vào trận quyết chiến. Với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, bằng sức người là chính, bộ đội ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua núi cao. Bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500 km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 - 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới… Tài tình hơn, sau khi đã cân nhắc trong 11 ngày đêm, Đại tướng quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để tiêu diệt và làm suy yếu dần đối phương, đồng thời giảm thương vong ở mức thấp nhất cho bộ đội. Chính vì vậy, trải qua 3 đợt tấn công liên tục bắt đầu từ 13/3, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đến ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ - một “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của quân đội thực dân Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng Đờ-cát-tơ-ri, bộ tham mưu và sĩ quan, binh lính tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng Việt Minh vô điều kiện, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 là thắng lợi to lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kẻ thù đã thất trận ở Điện Biên Phủ là chủ nghĩa đế quốc thực dân - không chỉ là thực dân Pháp mà còn là can thiệp của đế quốc Mỹ - đi ngược lại trào lưu của thời đại, là kẻ thù của thời đại. Thắng lợi đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển cách mạng Việt Nam, đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của cách mạng tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước.

Khi nói về nguyên nhân chiến thắng Điện Biên Phủ, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Chiều sâu của chiến thắng Điện Biên Phủ tiềm ẩn trong truyền thống quật cường, bất khuất mấy nghìn năm của dân tộc, từ khí phách huyền thoại của em bé làng Gióng mới lên ba tuổi đã đánh đuổi giặc nước mà đã cho là muộn, giận chín tầng trời còn thấp khi bay tận trời xanh. Chiều sâu ấy tiềm ẩn trong câu thơ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, từ Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo… đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tài mưu lược đã sáng tạo ra nghệ thuật đánh giặc của một nước nhỏ luôn luôn đánh thắng những đạo quân xâm lược lớn mạnh”(2). Chính động lực to lớn này, khi Đảng ta quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước đã ra trận để chiến đấu và phối hợp chiến đấu với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”.

Lý giải nguyên nhân vì sao quân đội viễn chinh Pháp lại thua ở Điện Biên Phủ, Tướng Hăng-ri Na-va, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương 1953 - 1954, thú nhận: “Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc” (3). Nhà sử học Mỹ Berna Fol cũng đánh giá rằng: “Điện Biên Phủ vừa là một thất bại chính trị hết sức nặng nề, vừa là một thất bại quân sự vô cùng thảm hại. Vì đó là lần đầu tiên cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại” (4).

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đóng góp kinh nghiệm quý giá vào kho tàng lý luận giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để nhân dân ta tiến lên hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; xây dựng XHCN và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc sau này...

Kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta, tưởng nhớ đến công lao của Đảng, Bác Hồ; tri ân đến những đồng chí, đồng đội và đồng bào đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hòa bình, dân chủ thế giới. Chúng ta tự hào về những thành tựu to lớn đã đạt được trong công cuộc đổi mới. Sức mạnh Việt Nam làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” đã nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước, niềm tự tôn dân tộc và khơi nguồn những động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập sâu rộng quốc tế hiện nay.

Tất cả chúng ta nguyện đồng tâm nhất trí, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khát vọng hòa bình; tiếp tục đổi mới sáng tạo, ra sức thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu, giành thêm nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội.

(1) -Thép Mới, Từ Điện Biên Phủ đến 30-4, NXB TP HCM, 1985, tr. 43.

(2) -Võ Nguyên Giáp (1998). Điện Biên Phủ, tái bản, NXB CTQG, HN, tr. 16.

(3) -Hăng-ri Na-va: Đông Dương hấp hối, Nxb. Plông, Pa-ri, 1958, Bản dịch của Viện Sử học.

(4) -F.Engels (1974), Tuyển tập luận văn quân sự, QĐND, HN, tr, 165.

Nguyễn Văn Thanh

Các tin khác