Văn hóa - Giáo dục

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trong lòng người dân xứ Nghệ

15:57, 29/04/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trái tim của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã ngừng đập ở tuổi 96 vào trưa 4/4. Sự ra đi của ông đã để lại nỗi tiếc thương cho nhiều người dân Việt Nam. Với những người con quê hương xứ Nghệ, những ký ức về vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn ngày nào còn vang vọng mãi.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên  (1923 - 2019), tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, quê quán tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ông cũng đã từng kinh qua các chức vụ như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy Quân khu 4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải…
1.Những ngày vừa qua, kể từ khi biết tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đi theo tiếng gọi của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, căn nhà của hai vợ chồng cựu chiến binh Lê Văn Nam và Trần Thị Tiêu trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm, phường Trường Thi, TP Vinh trở nên tĩnh lặng. Dù rằng, biết tin vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn ra đi, ngay trong đêm nhận được tin dữ, ông Nam đã nhảy vội chuyến tàu muộn từ TP Vinh ra Hà Nội để mong được nhìn thấy ông lần cuối. Và trước đó, vào tháng 4/2013, khi Trung tướng bước sang tuổi 90, hai vợ chồng ông cũng đã có dịp gặp lại thủ trưởng của mình tại nhà riêng ở Hà Nội. Song, chừng đó vẫn chưa đủ để vơi đi nỗi nhớ nhung, thương tiếc.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (người đội mũ vải) chỉ đạo triển khai kế hoạch  tác chiến ở chiến trường - Ảnh tư liệu
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (người đội mũ vải) chỉ đạo triển khai kế hoạch tác chiến ở chiến trường - Ảnh tư liệu
Ông Lê Văn Nam chính là nguyên mẫu chiến sỹ Lê Anh Nuôi trong bài hát “Tôi là Lê Anh Nuôi” của nhạc sỹ Đàm Thanh. Kể về những năm tháng gian khó nhưng nhiều kỷ niệm ở chiến trường, ông Nam cho biết: Quê ông ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), tháng 5/1965 nhập ngũ và được phân công sang Lào, nhiệm vụ chính là mở đường cho bộ đội chủ lực tiến công. Một thời gian sau, ông được chuyển sang Bộ Tư lệnh 559, làm anh nuôi, với chức danh Bếp trưởng Tư lệnh. Chính ở vị trí này, ông Nam thường xuyên được tiếp xúc với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Ông Nam cho biết, ngay lần gặp đầu tiên, Trung tướng đã tạo được sự thân thiện khi chủ động bắt tay, động viên đội ngũ anh nuôi. Với chất giọng mang đậm phương ngữ Quảng Bình, Trung tướng đã khiến cho anh em trong đơn vị cảm thấy thoải mái, gần gũi hơn. 
 
“Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn sống đúng kỷ cương điều lệnh Quân đội, tối làm việc rất khuya, sáng nào đúng giờ ông cũng ra trước cửa đại bản doanh tập thể dục. Thấy ông vất vả, tôi thường xuyên động viên anh em chịu khó cải thiện thêm bữa ăn để bồi bổ. Có lần, tôi mạnh dạn vào phòng thủ trưởng, xin ý kiến về khẩu vị thì ông ấy cười xòa, thân thiện bảo: “Miềng nói thật, đôi khi chỉ thèm một thìa mắm muối dập, một bát canh tôm cua như thuở mẹ cho ăn ở nhà, đơn giản và bình dị thôi. Nhưng các cậu cố gắng làm sao đảm bảo tiêu chuẩn chung cho bộ đội nhé. Có ăn no mới đánh thắng được giặc Mỹ". Lời nói ấy mãi mãi tôi không bao giờ quên”, ông Nam chia sẻ. 
 
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông Lê Văn Nam trong thời gian ở bếp Bộ Tư lệnh Đoàn 559 từ năm 1965 đến tháng 4/1971, là việc đích thân được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm chủ hôn, tổ chức lễ cưới của ông với cô nuôi quân - Thượng sỹ Trần Thị Tiêu, đồng hương và là đồng đội cùng công tác trong đơn vị. Đó là đêm 24/4/1971, trước ngày ông Nam được cử ra Hà Nội học, tại căn hầm Hội trường cơ quan tham mưu Bộ Tư lệnh Đoàn 559, lễ cưới giản dị nhưng hạnh phúc đã được tổ chức. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tặng hai vợ chồng ông Nam chiếc màn tuyn mới tinh của người lính dùng trong chiến trường, với lời chúc phúc "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Chúc cho hạnh phúc đôi bạn mãi mãi vững bền".
 
Sau 25 năm công tác liên tục ở chiến trường Trường Sơn, chiến đấu cả ở nước bạn Lào, năm 1990, ông Nam nghỉ hưu theo chế độ với cấp bậc Đại úy. Đến nay, dù đã ngoài 75 tuổi nhưng 2 vợ chồng vẫn hăng say tham gia công tác mặt trận, đoàn thể của phường Trường Thi. Có được sự mẫu mực trong lối sống, sự nhiệt huyết trong công việc và sự thủy chung sắt son nghĩa vợ tình chồng, theo ông Lê Văn Nam, là do chịu ảnh hưởng rất lớn từ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên. Dù người đã không còn trên dương thế, song vợ chồng ông luôn khắc cốt ghi tâm, coi đó là tượng đài, là kim chỉ nam cho mọi hành động. Cũng bởi vậy, ngôi nhà của hai vợ chồng, dù không rộng nhưng từ nhiều năm nay, giành một không gian làm phòng truyền thống gia đình. Các di vật và kỷ vật, tranh ảnh của một thời chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn được ông sắp xếp, trưng bày rất trang trọng và giữ gìn như gia bảo.
Đại tá Trần Kỷ trầm ngâm bên những trang viết về  Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn
Đại tá Trần Kỷ trầm ngâm bên những trang viết về Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn
2. Khu di tích lịch sử Bộ đội Trường Sơn ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - đại bản doanh của Bộ đội Trường Sơn do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy, đóng quân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ năm 1966 - 1971  những ngày này cũng vô cùng thương tiếc vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
 
Dấu ấn của ông không chỉ trong thời gian hoạt động cách mạng. Dù là vị chỉ huy cao nhất của lực lượng Bộ đội Trường Sơn, ngày đêm luôn căng thẳng với trăm công nghìn việc, tập trung cho Chiến dịch giải phóng miền Nam, nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn luôn tranh thủ thời gian tiếp xúc, gần gũi với từng cán bộ và người dân địa phương. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đã nhiều lần trở lại Hương Đô thăm hỏi bà con. Biết tin Trung tướng qua đời, Đảng bộ và nhân dân xã Hương Đô đã làm lễ lập bàn thờ Trung tướng tại Khu di tích lịch sử Bộ đội Trường Sơn ở xóm Sông, nay là thôn 7, xã Hương Đô. Những ngày vừa qua, đã có hàng nghìn lượt cán bộ, nhân dân ở huyện Hương Khê về đây để thắp hương, tưởng nhớ người anh hùng của Bộ đội Trường Sơn huyền thoại.
 
Bước sang tuổi 92, song Đại tá Trần Kỷ, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh vẫn nhớ như in những kỷ niệm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên của một thời hoa lửa. Khoảng thời gian từ năm 1968 - 1975, Đại tá Trần Kỷ là Phó phòng Cơ yếu thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh. Nhớ lại những kỷ niệm với Trung tướng, ông Kỷ kể: Đồng Sỹ Nguyên không chỉ là vị tướng với những quyết sách sáng suốt, tài ba mà còn là người sống rất tình cảm, quan tâm đến chiến sỹ, anh em cấp dưới. Có lần, thấy anh em hành quân, mỗi người phải cõng 25 kg hành lý, Trung tướng đã lệnh cho chỉ huy các đơn vị phải cố gắng hạ khối lượng hành lý mà các chiến sỹ mang vác xuống 18 - 20 kg. Một lần khác, vào năm 1971, ông Kỷ ốm phải nằm bệnh xá, Trung tướng mang 5 quả trứng gà là tiêu chuẩn dành riêng cho mình đến thăm biếu. Biết chuyện, ông vô cùng cảm động.
 
Còn đối với cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hòe trú tại TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cũng có những năm tháng khó quên khi nhắc về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Bà Hòe kể, bản thân bà tham gia làm nhiệm vụ thông đường ở miền Tây Quảng Trị từ năm 1965 đến cuối năm 1966, đơn vị binh trạm của Đoàn 559. Sau đó, bà được điều động về Tổng đội Thanh niên xung phong 55 đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc. Tháng 11/1966, bà Hòe may mắn được gặp Trung tướng khi ông trên đường công tác, gặp đơn vị bà Hòe đang làm nhiệm vụ mở đường. Dù rất vội nhưng Trung tướng vẫn dừng lại, ân cần hỏi han, động viên mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ. 
 
3. Chẳng thể kể ra hết được, có bao nhiêu con người trong cuộc sống, chiến đấu và lao động của mình đã may mắn được gặp và đã chịu ảnh hưởng bởi tính cách, con người của vị tướng đường Trường Sơn huyền thoại. Thế nhưng, dấu ấn mà ông để lại là vô cùng lớn, không chỉ với những người đi trước mà còn cả hậu thế sau này. Núi rừng thiêng Trường Sơn và đồng đội yêu thương đã mở vòng tay đón bước chân trở về của vị tướng già đáng kính. Cùng với Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đã được Nhà nước đặc cách phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, nhưng hơn hết, ông là một vị tướng của lòng dân và lòng quân. Cũng bởi vậy, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá ông là "một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc".

Thiên Thảo

Các tin khác