Văn hóa - Giáo dục
'Cái sàng' chi bộ
Khi đọc Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, tôi hình dung việc sàng lọc đảng viên có cái gì đó giống việc sàng gạo của dân ta hồi trước. Bởi vì cũng như việc sàng gạo, chi bộ là tổ chức đảng đầu tiên tiến hành sàng lọc đảng viên.
Khi nói đến vấn đề sàng lọc đảng viên trong Đảng ta hiện nay, tôi nhớ đến hồi nhỏ thường chứng kiến cảnh các mẹ, các chị sàng gạo. Sàng là công đoạn đầu tiên trong quá trình làm từ hạt thóc thành hạt gạo hoàn chỉnh.
Tôi đã thấy hình ảnh cái sàng được đưa ra trưng bày ở bảo tàng vẫn còn ghi dấu ấn chỗ hai tay cầm đã mòn vẹt, còn lên màu mồ hôi bóng loáng, dấu ấn một thời lao động thủ công tần tảo sớm hôm. Hồi còn nhỏ, khi nhìn thấy bà con nông dân sàng thóc gạo rất “ngon lành” tưởng như dễ ợt, nhưng khi bắt tay vào làm quả là không dễ chút nào. Nghệ thuật của sàng gạo là phải làm sao nhóm vào giữa mặt cái sàng là là trấu và những hạt thóc chưa bị xay nứt vỏ cũng như những hạt lép, những tạp chất lẫn trong hạt lúa để loại chúng ra khỏi những hạt gạo, không cho chúng lọt xuống nia. Người sàng giỏi là làm sao khi lắc người, những vòng tròn sẽ không làm cho trấu, lúa và tạp chất nhóm lại với nhau. Gạo được sàng xong cho vào cối giã. giã xong mới cho ra giần để lấy gạo còn cám và tấm nhỏ lọt xuống dưới làm thức ăn chăn nuôi. Hạt gạo được giần xong không trắng bong như gạo xát bằng máy mà vẫn đục nhờ nhờ, lớp vỏ gạo vẫn còn, không mất đi vitamin B1. Bác Hồ đã so sánh công việc sàng, giã, giần gạo như sự rèn luyện để người ta trở thành người tử tế: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời, người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Khi đọc Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, tôi hình dung việc sàng lọc đảng viên có cái gì đó giống việc sàng gạo của dân ta hồi trước. Bởi vì cũng như việc sàng gạo, chi bộ là tổ chức đảng đầu tiên tiến hành sàng lọc đảng viên. Muốn sàng lọc được đảng viên trước hết là từ các chi bộ đảng, bởi vì chi bộ là nơi sát đảng viên nhất, hiểu rõ đảng viên hơn cả, đồng thời chi bộ có chỗ dựa vững chắc là quần chúng nhân dân để giám sát đảng viên. Chi bộ đảng cũng giống như cái sàng. Nếu khi sàng mà để lọt hạt lép, các tạp chất, hạt sạn xuống nong, nia thì gạo cũng không thể ngon, không thể sạch, cũng như chi bộ không thể trong sạch, vững mạnh. Nếu sàng không khéo, không tinh sẽ xảy ra hiện tượng “lọt sàng xuống nia” (nghĩa là những cái không phải là gạo sẽ lọt xuống nia, khi đem vào giã sẽ lẫn lộn với những hạt gạo, khi nấu, cơm sẽ bị sạn). Với tinh thần Chỉ thị nói trên của Ban Bí thư, “cái sàng chi bộ” tập trung “sàng” những đối tượng nào hiện nay?
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần sàng lọc trong Đảng. Ảnh minh họa |
Trước hết, “cái sàng chi bộ” cần sàng lọc những đảng viên bỏ sinh hoạt đảng lâu ngày không có lý do chính đáng, không đóng đảng phí đầy đủ, đúng thời hạn. Hiện tượng khá phổ biến hiện nay, nhất là ở các chi bộ vùng nông thôn, là không ít đảng viên bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng liền không có lý do, không báo cáo chi ủy. Nhiều chi ủy không liên hệ được hoặc có lý do không chính đáng như các chủ hộ gia đình nghèo, hoàn cành kinh tế khó khăn. Hiện tượng này cũng thường gắn liền với tình trạng không đóng đảng phí đúng thời hạn, nhiều khi đóng “một cục” cho cả năm hoặc 6 tháng. Đồng thời, chi bộ cũng không nắm được việc làm ăn, sinh hoạt của các đảng viên đi làm ăn xa có vi phạm những điều đảng viên không được làm không. Với những trường hợp như thế là đã vi phạm Điều lệ Đảng, bản thân cũng không phát huy tác dụng, không nêu gương, không xứng đáng vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên nữa, cần đưa ra khỏi Đảng theo đúng quy định.
Thứ hai, “cái sàng chi bộ” sàng lọc lđảng viên trước đây tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, nay không đủ sức lực, ý chí, sự nhiệt tình cống hiến, thì gợi ý cho họ tự nguyện rút lui. Tất cả mọi đảng viên trước khi vào Đảng đều phải tự nguyện đi theo đường lối, lý tưởng của Đảng, cố gắng phấn đấu, tự nguyện viết đơn gia nhập Đảng. Hiện nay có những đảng viên không còn tha thiết với lý tưởng của Đảng, không có đủ phẩm chất, năng lực, không đủ sức nêu gương trước quần chúng. Thậm chí có những đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nói và làm trái đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua nhiều lần góp ý mà không thấy chuyển biến tích cực, chi bộ cần rà soát, vận động những đảng viên này tự nguyệt viết đơn xin ra khỏi Đảng hoặc xem xét, xử lý vi phạm theo đúng quy định, kỷ luật của Đảng. Làm được như thế tổ chức đảng khắc phục được tình trạng “đảng viên đông nhưng không mạnh”;
Thứ ba, những đảng viên chuyển sinh hoạt đảng nhưng không nộp hồ sơ chuyển đảng tịch về nơi cư trú. Cách tốt nhất để hạn chế, khắc phục tình trạng này bằng cách chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng theo con đường công văn, không nên để đảng viên tự cầm hồ sơ về nhà khi nghỉ công tác về hưu. Đối với những đảng viên khi về hưu thấy mình không tha thiết với Đảng nữa thì tổ chức đảng cũng gợi ý để họ xin ra khỏi Đảng. Những đảng viên đương chức nhưng thực hiện không tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú, không liên hệ chặt chẽ với cấp ủy đảng, với quần chúng, nhân dân ở nơi cư trú cũng cần được chi bộ xem xét, phân loại...
Một trong những khâu vô cùng quan trọng việc góp phần giúp chi bộ sàng lọc đảng viên có chất lượng, hiệu quả là đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trên cơ sở phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng, cụ thể cho mỗi đảng viên. Trong các buổi sinh hoạt, trên cơ sở bản tự phê bình của từng đảng viên, chi bộ, chi ủy cần rà soát, đối chiếu bản kiếm điểm tự phê bình đó với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, mối quan hệ với quần chúng, nhân dân ở nơi công tác cũng như nơi cư trú để chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của từng đảng viên. Tránh phê bình chung chung không có địa chỉ cụ thể.
Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, phân loại, sàng lọc đảng viên hiện nay là mối quan hệ với quần chúng nơi công tác cũng như nơi cư trú. Trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, chi bộ cần đối chiếu những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quy định những điều đảng viên không được làm với từng đảng viên trong chi bộ để góp ý, phê bình, xử lý.
“Cái sàng chi bộ” muốn hoạt động nhịp nhàng, uyển chuyển, hiệu quả cần nhiều yếu tố, trong đó cần đặc biệt chú ý hai nhân tố đặc biệt quan trọng:
Người “cầm sàng” phải có bản lĩnh, trình độ, năng lực. Trong tình hình hiện nay, việc sàng lọc đảng viên trong chi bộ cần rất khéo léo để tránh tình trạng nể nang, né tránh, thành tích chủ nghĩa, họ hàng, dòng tộc, “con ông cháu cha”... hòa cả làng, không sàng lọc được ai ra khỏi đội ngũ, trong khi chi bộ, tổ chức đảng vẫn không mạnh. Muốn vậy, “người cầm sàng” phải công tâm, khách quan và kiên quyết lấy lợi ích của Đảng, của đất nước, nhân dân lên trên hết;
Muốn vững “tay sàng”, những người “cầm sàng” phải tìm được chỗ dựa chắc chắn. Đó chính là quần chúng nhân dân. Đảng ta chủ trương: “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”, để thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về rà soát, sàng lọc đảng viên cần dựa vào dân để sàng lọc đội ngũ đảng viên của Đảng.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng