Văn hóa - Giáo dục
Hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019
08:15, 26/04/2019 (GMT+7)
Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia 2019 trên cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có hơn 653.000 thí sinh đăng ký lấy kết quả để xét tuyển đại học.
Cụ thể, có hơn 468.000 thí sinh đăng ký dự thi Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (chiếm 52,83% tổng số thí sinh).
Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên có gần 302.000 thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 34,07% tổng số thí sinh). Có hơn 27.000 thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp.
Hà Nội có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất gồm hơn 74.000 thí sinh, tiếp đến là TPHCM có gần 71.000 thí sinh.
Đợt đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 đã diễn ra từ ngày 1-20/4. Bộ GD&ĐT đã kiểm tra đột xuất công tác tổ chức chuẩn bị cho kì thi tại một số trường: THPT Yên Thế, THPT Lạng Giang số 2 và THPT Thái Thuận, tỉnh Bắc Giang.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết học sinh đều nắm rõ quy chế thi và xét tuyển đại học, cao đẳng nên rất tự tin khi làm hồ sơ.
Học sinh được hướng nghiệp từ trước nên xác định rõ nghề nghiệp trong tương lai, có định hướng khá tốt để đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng hay đi học nghề, từ đó có hướng ôn tập phù hợp.
Rút kinh nghiệm sau những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tăng cường một số giải pháp kỹ thuật để phòng, chống gian lận trong tất cả các khâu của kỳ thi, nhất là ở khâu chấm thi.
Theo đó, việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ do các trường đại học chủ trì với phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được sửa đổi, nâng cấp theo hướng tăng cường khâu bảo mật để phòng ngừa, phát hiện các gian lận.
Tất cả dữ liệu liên quan đến bài thi của thí sinh từ ảnh quét bài thi cho đến kết quả cuối cùng đều được mã hóa bằng các thuật toán mã hóa tiên tiến có độ tin cậy và bảo mật cao; người dùng không thể nhìn được toàn bộ ảnh quét và không thể đọc được thông tin kết quả bài thi (kể cả kết quả trung gian hoặc kết quả cuối cùng).
Quá trình sửa lỗi kỹ thuật trên phiếu trả lời trắc nghiệm (lỗi do thí sinh điền sai mã đề, điền sai số báo danh, lỗi nhận dạng đáp án...) do phần mềm tự động phát hiện, người vận hành phần mềm chấm thi trắc nghiệm không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với phần bài làm của thí sinh (“đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh).
Cụ thể khi sửa lỗi nội dung liên quan đến thông tin cá nhân thì không thể nhìn thấy phần nội dung trả lời và khi sửa lỗi phần nội dung trả lời thì không thể nhìn thấy phần thông tin cá nhân;
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, mọi thao tác trên phần mềm đều được lưu vết; chỉ người có trách nhiệm mới có thể mở để đọc mà không thể sửa được các thông tin này.
Nguồn: Nhật Nam/Chinhphu.vn