Văn hóa - Giáo dục

Kí ức tháng Tư

10:17, 29/04/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cách đây 44 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến tranh dù đã lùi xa nhưng đối với mỗi người dân đất Việt thì lịch sử ngày “Đại thắng mùa xuân” vẫn còn in sâu trong ký ức.
 
30/4/1975 - Đại thắng mùa Xuân
 
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Sự kiện đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nước nhà từ đây thực sự độc lập, thống nhất, non sông từ đây nối liền một dải. Để tiến được vào sào huyệt cuối cùng của địch, từ đầu tháng 3/1975, quân và dân ta đã tiến hành liên tiếp cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam với các chiến dịch then chốt, quyết định như chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là sự phát triển đến đỉnh cao của tư duy chiến lược, thể hiện cao nhất của niềm tin chiến thắng, về ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh là kết quả từ sức mạnh tổng hợp xuất phát từ tinh thần khát khao độc lập, tự do, khát khao hòa bình thống nhất Tổ quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được Đại hội lần thứ 4 của Đảng đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm vóc quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
 
Ký ức người lính
 
44 năm đã trôi qua, ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khó và oanh liệt vẫn còn đầy ắp trong từng câu chuyện của những người lính năm xưa. Hơn ai hết, họ là những người đã trải qua chiến tranh, chứng kiến cảnh đau thương, lửa đạn, chứng kiến cảnh gian khổ hy sinh của đồng đội, đồng bào, sự khốc liệt, dã man của kẻ thù mới thấy được ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4; cảm nhận giá trị của năm tháng hòa bình và sự thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc, cảm thấy tràn ngập niềm vui, sung sướng, tự hào và vô cùng quý trọng những ngày tháng hôm nay.
 
Nhớ lại giây phút nghe tin lá cờ Tổ quốc bay trên nóc dinh Độc Lập, ông Nguyễn Viết Dũng (68 tuổi) trú tại xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, từng là lính đặc công rừng Sác, một thời “làm mưa, làm gió” nơi chiến trường miền Đông Nam Bộ chỉ biết ôm đồng đội rồi cứ thế nước mắt tuôn rơi. “Giờ phút đấy, tôi chỉ nghĩ đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, không còn được chứng kiến ngày vui thống nhất hai miền”, ông Dũng nói.
Những đồ vật kỷ niệm về chiến tranh được ông  Nguyễn Hữu Thường lưu giữ cẩn thẩn
Những đồ vật kỷ niệm về chiến tranh được ông Nguyễn Hữu Thường lưu giữ cẩn thẩn
Những ngày tháng 4 này, trong ngôi nhà của ông Phùng Bá Điền (68 tuổi) trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh tấp nập bạn bè, anh em đồng đội. Bên ấm nước chè xanh, họ quây quần ôn lại những kỷ niệm một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Là lính đặc công, ông Điền đã cùng đồng đội vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy. Những cơn sốt rét hành hạ, những lần bơi giữa dòng sông gặp phải cá sấu chực chờ, hay những lần tiếp cận mục tiêu, bắn chìm nhiều tàu chiến của địch… Tất cả vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người lính năm xưa. Không trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, nhưng ông đã cùng đồng đội góp sức làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975. “Chúng tôi ôm ghì lấy nhau mà khóc và cùng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, rồi cứ thế cất vang bài ca chiến thắng trong một cảm xúc không sao có thể diễn tả được”, cựu chiến binh Phùng Bá Điền nhớ lại.
 
Có mặt trong các cuộc hành quân trên những tuyến đường máu lửa, công việc của ông Nguyễn Hữu Thường trú tại xóm 1, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên chủ yếu là vận chuyển hàng hóa vượt qua các trọng điểm, đồng thời đảm bảo đầu xe cho các đơn vị khác phục vụ chiến đấu trong mọi hoàn cảnh. Ông và đồng đội - Những chàng thanh niên khỏe mạnh mang trong mình một trái tim nhiệt huyết vì lý tưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đã không quản khó khăn, gian khổ lao vào những vùng nguy hiểm, có khi lăn lộn dưới sông suối để tháo các vật liệu xe bị cháy, nổ rồi tìm mọi cách kéo xe về sửa chữa.
 
Chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, từng đoàn xe dài nối tiếp nhau ra chiến trường cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ của ông Thường và đồng đội lại càng vất vả hơn bao giờ hết. “Chiến tranh có thể lấy đi nhiều điều nhưng đổi lại là hình ảnh Tổ quốc thiêng liêng luôn hiện diện trong trái tim của từng thế hệ”, ông Thường chia sẻ trong xúc động. Trở về với cuộc sống đời thường, ông có sở thích sưu tầm những đồ vật độc đáo trong chiến tranh. Đồ vật đó được làm từ mảnh xác máy bay, quả đạn cối, pháo sáng… mang đậm chất lính, với tinh thần lạc quan vượt gian khổ, khó khăn…
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức hào hùng của một thời “hoa lửa” vẫn có tác động lan tỏa mạnh mẽ trong những ngày tháng tư lịch sử. Tri ân những cống hiến mà cha anh đi trước đã dâng hiến tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tuổi trẻ hôm nay nguyện viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

Phan Tuyết

Các tin khác