Văn hóa - Giáo dục
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số
(Congannghean.vn)-Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) rất phong phú và giàu bản sắc, đã góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất. Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, một thực tế là các loại hình văn hóa đang ngày càng bị mai một, thất truyền, cần phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao tính hiệu quả.
Hiện nay, rất ít các nghệ nhân còn lưu giữ được nhạc cụ dân tộc mình |
Nghệ An là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, có 5 dân tộc thiểu số (Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú và Ơ Đu) với khoảng hơn 466.000 người, chiếm 15,2% dân số, sinh sống tại 11 huyện, thị miền núi. Bắt nguồn từ thực tế sinh động của đời sống, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đã sáng tạo nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, dưới tác động đa chiều của đời sống kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự tương tác văn hóa vùng miền, sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa bản địa. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một, nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian dần bị lãng quên; có tộc người đã không giữ được bản sắc của mình...
Nói đến loại hình văn hóa quý giá của đồng bào các DTTS thì có rất nhiều loại hình, trong đó có cả giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ của các DTTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tất cả những giá trị văn hóa truyền thống này tạo nên một bức tranh sinh động, phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa của các DTTS ở Nghệ An.
Có thể nói rằng, đã từ lâu, dân ca, dân nhạc, dân vũ là sản phẩm tinh thần của đồng bào DTTS. Vào mùa lễ hội hay Tết cổ truyền của dân tộc, những làn điệu dân ca cất lên hòa trong tiếng khèn, sáo, pí với các tiết mục múa như thôi miên, níu giữ bước chân du khách thập phương. Nét đẹp văn hóa ấy có từ bao giờ? không ai trả lời được. Người dân bản chỉ biết rằng, từ khi sinh ra đã nghe bà, nghe mẹ hát, múa, nghe âm thanh của các nhạc cụ mà nhớ, mà thuộc để rồi say mê và cứ thế trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác cho đến tận bây giờ.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS bằng những chính sách, chủ trương, nghị quyết cụ thể, thiết thực. Về phía tỉnh Nghệ An, đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS ở Nghệ An giai đoạn 2018 - 2025.
Theo đề án này, sẽ xây dựng ngân hàng dữ liệu số về nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS tỉnh Nghệ An; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm về nghệ thuật trình diễn của các DTTS phục vụ công tác lưu giữ, truyền dạy, phổ biến và quảng bá; tổ chức Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS tỉnh Nghệ An gắn với tôn vinh các nghệ nhân 2 năm/1 lần; tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ các DTTS luân phiên giữa các huyện, thị; đưa dân ca, dân nhạc, dân vũ các DTTS vào các trường trung học phổ thông ở các huyện, thị miền núi...
Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, hội diễn văn nghệ các DTTS, Liên hoan nghệ thuật quần chúng các DTTS…Tất cả các hoạt động đó đã đưa đời sống văn hóa của các DTTS đi lên từng bước rõ rệt.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, qua công tác điền dã, các nhà nghiên cứu sưu tầm cho rằng, những giá trị văn hóa như dân ca, dân nhạc, dân vũ của các DTTS đang bị mai một, thất truyền, thậm chí lãng quên. Anh Vừ Bá Mùa, công tác tại Phòng Nghiên cứu sưu tầm Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An cho biết: Đối với người Khơ Mú, hiện nay những nghệ nhân biết hát tơm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các nghệ nhân am hiểu và biết chế tác thổi pí tơm, pí tót rất ít, những điệu múa cổ truyền cũng không còn. Đối với người Mông, đâu đó vẫn còn có vài người thuộc các làn điệu dân ca cổ truyền như cự xìa, lù tẩu; riêng về nghệ thuật múa khèn đã bị thất truyền rất nhiều, từ các động tác múa đến các bài khèn. Đối với người Ơ Đu thì cơ bản văn hóa truyền thống đã bị mai một, thất truyền.
Riêng đối với người Thái, thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cho nên về cơ bản, người dân nơi đây vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Các điệu hát lăm, nhuôn, khắp, xuối vẫn thường được vang lên trong đời sống của người dân lao động. Tuy nhiên, các loại nhạc cụ như pí, khèn bè đã hư hỏng nhiều, nghệ nhân biết làm thì ít, dân vũ cũng ít được chú trọng. Tại các địa phương, mặc dù thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, tuy nhiên, hoạt động chưa thường xuyên, nội dung chưa phong phú và chưa có sự quan tâm đầu tư…
Trong lễ hội của người dân tộc Thái không thể thiếu các điệu dân ca, dân vũ |
Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS, các ban, ngành, đoàn thể phải có chính sách quan tâm hàng đầu cho các nghệ nhân. Bởi họ đóng vai trò rất lớn, mang tính quyết định sống còn đối với các giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ của các DTTS ở Nghệ An. Họ là kho tàng văn hóa sống đang còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa quý giá. Việc tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ sau hay tập trung khai thác nghiên cứu, sưu tầm từ những nghệ nhân này là một việc làm cần thiết, mang tính lâu dài.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý văn hóa cần phải có giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế ở địa phương mình, phù hợp với từng loại hình văn hóa của từng dân tộc; tổ chức thường xuyên các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; mở lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cho thế hệ trẻ…
Phan Tuyết