(Congannghean.vn)-Gần 10 năm gắn bó với nghề báo, những chuyến đi thực tế tại cơ sở là những lần được trải nghiệm cuộc sống. Điều đọng lại sâu sắc trong tôi chính là tình người ấm áp.
Niềm vui của những đứa trẻ vùng cao khi được nhận quà của các tấm lòng thiện nguyện |
Tôi đến với nghề báo như một cơ duyên. Từ một cộng tác viên đến giờ là phóng viên chính thức của Báo Công an Nghệ An cũng đã gần 10 năm. Quãng thời gian chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ để tôi nhận ra rằng, nếu không có niềm đam mê, tình yêu với nghề, chắc chắn tôi sẽ phải dừng lại… Những chuyến đi về cơ sở là những lần được trải nghiệm trong tôi.
Ngày chập chững bước vào nghề, tôi nhớ mãi câu nói của một người anh đồng nghiệp: “Bạn cứ đi rồi sẽ đến”. Đi nhiều, được tiếp xúc với những số phận, những hoàn cảnh khó khăn nên tôi thường đau đáu với câu hỏi làm thế nào để người dân bớt khổ? Làm thế nào để những con người này có thể thực hiện được ước mơ của mình, dù là rất nhỏ.
Tôi đã từng theo các anh chị em đồng nghiệp về với những bản làng xa xôi ở các huyện miền Tây xứ Nghệ. Ở đấy có những đứa trẻ, mặc dù trời đông lạnh giá, các em vẫn một manh áo vải sờn vai, đầu trần, chân đất. Gặp các em, nỗi cảm thương sâu sắc trỗi dậy trong tôi. Tôi đã viết về các em bằng một thứ tình cảm đặc biệt. Và để rồi sau đó, không biết đã bao nhiêu lần tôi rong ruổi cùng các bạn sinh viên, những tấm lòng hảo tâm trong Câu lạc bộ Tia Sáng, Từ Tâm (TP Vinh) đi làm thiện nguyện. Chiếc cặp sách, bộ quần áo ấm, hay chỉ là cái bút, quyển sách được chúng tôi trao tận tay cho các em…, tất cả đều xuất phát từ tấm chân tình. Những nụ cười nở trên môi, cái ôm hôn thắm thiết… đến giờ vẫn còn hiện hữu trong tôi.
Tôi từng đọc được ở đâu đó một câu nói “Nhân ái làm nên cuộc đời…”. Giữa cuộc sống vốn hối hả, xô bồ và đầy phức tạp, khi mà ngoài kia bao nhiêu con người ganh đua, chạy theo phù phiếm xa hoa thì ở đâu đó, trên mảnh đất này vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, những số phận éo le cần một lời an ủi, sẻ chia, cần được một bàn tay nâng đỡ để vực dậy. Chính những bài viết thấm đẫm tính nhân văn, nhân ái từ trái tim của những người được gọi là “nhà báo” đã góp phần khơi gợi, làm lan tỏa tấm lòng “thương người như thể thương thân” trong xã hội.
Lần dở lại những bài viết ngày đầu chập chững bước vào nghề, bao kỷ niệm lại trỗi dậy trong tôi. Đó là câu chuyện về người đàn ông mù ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc; là hoàn cảnh vô cùng đáng thương của 3 chị em Văn Thị Nam (45 tuổi) ở xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, khi mà chị Nam một mình nuôi chị gái và em gái bị bại liệt lại mắc bệnh tâm thần. Hay như là nghị lực vươn lên của anh Nguyễn Hải Yến trú tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương. Một lần theo cha vào rừng chặt tre để đan lát, anh Yến bị tai nạn. Từ một chàng trai với nhiều tài lẻ, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, anh phải nằm một chỗ, tay chân không thể cử động. Đau đớn về thể xác và âm ỉ nỗi đau tinh thần giằng xé con người anh. Đã có lúc anh phó mặc cho số phận. Thế rồi, xóa đi những mặc cảm tự ti, anh quyết tâm cố gắng tập luyện. Sau một thời gian khổ luyện, đôi bàn tay của anh đã vận động khéo léo. Thế rồi anh dồn sức mình vào việc đan lát. Nghị lực vươn lên của anh được nhiều người biết đến, trong đó có cô gái ở làng bên. Cảm mến, khâm phục anh, chị đã chủ động tìm gặp và sau này nên duyên vợ chồng…
Đặc biệt, tôi còn nhớ cách đây 6 năm, được sự giới thiệu của một cán bộ Huyện đoàn Thanh Chương, tôi đã tìm về xã Ngọc Sơn viết bài về hoàn cảnh của em Lê Văn Chiến. Khi đó, Chiến đang học lớp 5A, Trường Tiểu học Ngọc Sơn. Hoàn cảnh của Chiến thật đáng thương. Tuổi thơ của em không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Khi em vừa tròn 4 tháng tuổi, bố mẹ chia tay rồi bỏ đi biệt xứ. Chiến được chăm bẵm bởi tiếng ầu ơ, ôm ấp của bà nội. Lớn lên, sau những buổi đến lớp, em lại cặm cụi bên ruộng lúa, ao hồ mò cua, bắt ốc để lấy tiền nuôi bà nội già yếu và nuôi dưỡng ước mơ tiếp tục được cắp sách đến trường. Mặc dù vất vả nhưng Chiến lại rất ham học. Lần ấy, em là một trong những học sinh nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi huyện. Bài viết “Cậu bé lớp 5 mò cua, bắt ốc nuôi bà nội” được đăng trên báo in và trên báo điện tử Công an Nghệ An đã lập tức nhận được sự chia sẻ của rất nhiều người.
Cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn cho biết, sau bài viết về em Chiến, nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã đến tận trường cũng như trực tiếp đến nhà giúp đỡ, hỗ trợ em. Hiện nay, bà nội đã mất, em Chiến đang học lớp 10, Trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương bằng nguồn tài trợ từ phía nhà trường cũng như các tổ chức, cá nhân.
Tôi nhớ mãi hình ảnh người thầy giáo lặng lẽ trên chiếc xe đạp cũ kỹ, đi sưu tầm sách báo cũ của bạn bè, người thân. Hôm nay, thầy đã về thế giới bên kia nhưng ước nguyện mở một thư viện tại gia đã trở thành hiện thực. Đó là thầy Lâm Văn Khoa, từng là Chủ nhiệm CLB thơ Xuân Lâm, ở xóm 12, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương. Là một thầy giáo về hưu, ở vào tuổi “thất thập”, thầy Khoa chỉ mong sao sống khỏe để có thể thực hiện ý nguyện của mình là mở một thư viện tại gia. Yêu đọc sách từ thuở chăn trâu cắt cỏ, rồi cũng nhờ đọc sách báo mà thầy biết làm thơ. Hàng ngày, trên chiếc xe đạp cọc cạch, thầy tìm đến bạn bè để sưu tầm sách, báo, rồi tích góp từng đồng lương ít ỏi để mua thêm. Tủ sách báo của thầy cứ thế ngày một dày thêm.
Thầy giáo Lâm Văn Khoa bên những chồng sách, báo cũ mà mình sưu tầm được |
Năm 2011, tôi đến phỏng vấn thầy cũng là lúc thầy tròn 85 tuổi. Tôi hỏi vui: “Thầy có đủ sức để theo đuổi ước mơ đến cùng không ạ?”. “Mình phải nhanh lên không thì không kịp mất”, thầy Khoa cười trả lời. Sau bài viết “Người góp nhặt nguồn tri thức” đăng trên Báo Công an Nghệ An, thầy thường xuyên gọi điện cho tôi. Khi thì hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình, khi thì vọng lại trong tôi tiếng reo vui của thầy về việc bạn bè ở xa đọc báo biết được thầy đang cần sưu tầm sách báo nên gửi về… Tôi vui với niềm vui của thầy. Năm 2013, thư viện tại gia của thầy được khai trương. Thầy bảo: “Văn hóa đọc của lớp trẻ bây giờ đang bị mai một. Nếu không tìm cách để kéo các cháu vào đọc sách, tìm cách để các cháu tiếp cận với những kiến thức trong sách, tính nhân văn của các tác phẩm văn học thì sẽ rất khó trong việc hoàn thiện nhân cách cho các cháu...”.
Gần 10 năm gắn bó với nghề, tôi thấy rằng, dù viết về đề tài nào, ở lĩnh vực nào nhưng mỗi nhà báo, phóng viên khi cầm bút cố gắng đánh thức sự nhân văn, tử tế, để rồi sau tất cả “chỉ còn tình người ở lại”. Đó là điều hạnh phúc, giá trị lắm rồi...