Văn hóa - Giáo dục

Trường Mầm non xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Nhiều sai phạm trong thu chi đầu năm

14:33, 31/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Không chỉ cào bằng tiền xã hội hóa giáo dục với mức 700.000 đồng, Trường Mầm non xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên còn tự ý mua các đồ dùng, đồ chơi, học liệu trái quy định. Dưới hình thức các khoản thu tự nguyện và thỏa thuận, nhà trường đã đề ra nhiều khoản thu vô lý. Khi phụ huynh yêu cầu giải thích thì người đứng đầu nhà trường đã tỏ thái độ khó chịu, thậm chí nói những lời khó nghe khiến phụ huynh vô cùng bức xúc.

Trường Mầm non xã Hưng Thắng, nơi xảy ra các sai phạm trong thu chi đầu năm học mới
Trường Mầm non xã Hưng Thắng, nơi xảy ra các sai phạm trong thu chi đầu năm học mới

Nhiều khoản thu trái quy định

Theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non xã Hưng Thắng, ngày 15/10, Trường tổ chức họp phụ huynh để thông báo các khoản thu đầu năm học 2016 - 2017.

Theo đó, ngoài các khoản thu theo quy định như tiền học phí, tiền ăn bán trú, tiền bảo hiểm, tiền sữa học đường…, nhà trường còn đề ra mức thu xã hội hóa giáo dục là 700.000 đồng/cháu trở lên, tiền thuê cô nấu ăn thay cha mẹ học sinh và nước uống là 344.000 đồng/cháu.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở xóm 17, xã Hưng Thắng hiện có 2 con đang học mầm non. Với các khoản thu như trên, gia đình phải đóng 3.343.000 đồng/cháu/năm, tổng tiền học của 2 con là hơn 6 triệu đồng/năm. Chị Thủy chia sẻ: Mức vận động xã hội hóa mà Trường đưa ra là quá cao so với thu nhập của người dân. Ngoài khoản thu xã hội hóa, chúng tôi phải đóng 520.000 đồng để các cô mua đồ dùng, đồ chơi, tiền thay cha mẹ chăm sóc, tiền máy lọc nước mà nhà trường đã mua trong năm học trước.

Danh sách các khoản đóng góp đầu năm của Trường Mầm non đã được UBND xã phê duyệt
Danh sách các khoản đóng góp đầu năm của Trường Mầm non đã được UBND xã phê duyệt

Theo danh sách đồ dùng, đồ chơi, học liệu phục vụ trẻ lớp 5 tuổi của Trường Mầm non Hưng Thắng thì phụ huynh phải mua tới 59 hạng mục với số tiền 365.000 đồng. Phụ huynh có thể tự mua hoặc nộp tiền để nhà trường mua nhưng phải nộp đúng thời hạn (từ ngày 18/8 - 3/9). Ngoài ra, danh sách đồ dùng phục vụ vệ sinh cá nhân tại lớp và tiền thay cha mẹ chăm sóc trẻ bán trú mà phụ huynh phải đóng là 195.000 đối với nhà trẻ, 166.000 đồng đối với mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ, 150.000 đồng đối với các cháu trong độ tuổi mẫu giáo lớn. Tổng 2 khoản là từ 500.000 - 550.000 đồng.

Chị Thủy cho biết thêm: “Mặc dù Trường đã thu 2 khoản này từ đầu năm nhưng tôi nhận thấy trong danh mục đồ dùng cần mua có điểm bất hợp lý như cùng một loại bút mà có đến bút dạ, bút lông, bút chì… rồi bàn chải, kem đánh răng trong khi cháu chỉ đánh ở nhà trước khi đi học và trước lúc đi ngủ. Chưa kể các cháu còn phải tự đóng tiền để mua phiếu bé ngoan.

Ngoài ra, khoản thu đồ dùng vệ sinh và thay cha mẹ chăm sóc cũng vậy. Riêng tiền mua chổi, mỗi năm 1 cháu phải đóng để mua 5 loại gồm: Chổi lau nhà 360, chổi màn, chổi đót trện, chổi chùi nhà vệ sinh, chổi cước. Tiền thay cha mẹ chăm sóc là tự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh nhưng trong quá trình triển khai nhà trường đều thể hiện sự áp đặt, bắt buộc”.

Điều đáng nói là trong danh sách các hạng mục cần mua có đề ghi chú “kèm theo Thông tư 02/2010-Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn các loại danh mục học liệu đồ dùng, thiết bị tối thiểu cho giáo dục mầm non năm học 2016 - 2017”. Trong khi đó, Thông tư 02 đã được thay thế 2 năm nay bằng Thông tư 34 sửa đổi, bổ sung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ngày 17/9/2013, có hiệu lực từ ngày 1/11/2013. Thông tư này đã bãi bỏ một số thiết bị quy định tại Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học. Tuy nhiên, một số hạng mục vẫn nằm trong danh sách mà nhà trường liệt kê.

Tự ý thu chi khi chưa có phê duyệt

Với những khoản thu không hợp lý, trong cuộc họp phụ huynh sáng 15/10, rất nhiều phụ huynh đã phản đối và yêu cầu nhà trường giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, giáo viên không giải thích, thậm chí người đứng đầu nhà trường còn tỏ thái độ khó chịu và có lời nói khó nghe khiến phụ huynh bức xúc. Vì thế, một số phụ huynh đã viết đơn phản ánh lên chính quyền địa phương.

Chị Thủy cho hay: “Thấy phụ huynh một mực phản đối, cô Hiệu trưởng nói bố mẹ đóng 700.000 đồng thì con nằm phản, đóng 500.000 đồng thì con nằm giường. Tôi không nghĩ rằng một cô giáo đứng đầu trường học lại có thể nói ra điều đó”.

Trao đổi về vấn đề này, cô Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Thắng cho biết: “Đầu năm học mới, xã cho xây mới 3 phòng học. Nhà trường đã khảo sát và lên danh sách các hạng mục, đồ dùng cần mua sắm, sửa chữa và thông qua chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT Hưng Nguyên phê duyệt. Dự kiến, nhà trường phải chi 174.300.000 đồng cho năm học này. Vì vậy, căn cứ vào số lượng 249 trẻ, Trường thống nhất đề ra mức thu xã hội hóa là 700.000/cháu, trừ 1 trường hợp trẻ khuyết tật không thu. Dự kiến là thế nhưng chúng tôi sẽ thu trên tinh thần tự nguyện. Có thể do giáo viên nắm không đúng tinh thần, chưa giải thích rõ ràng nên khiến phụ huynh hiểu lầm”.

Giải thích về khoản thu đồ dùng, đồ chơi, học liệu trái quy định, cô Hà chia sẻ thông tin về Thông tư 02 là do cô Hiệu phó ghi nhầm. “Việc mua đồ dùng là nhà trường mua hộ chứ không ép buộc. Việc thu chi diễn ra từ ngày 18 - 3/9, trước khi chưa có chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Hưng Nguyên về hướng dẫn các khoản thu đầu năm học nên chúng tôi không biết”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Châu Bá Hoài, Thanh tra Phòng GD&ĐT Hưng Nguyên cho biết: “Đầu năm học 2016 - 2017, Phòng đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn và chấn chỉnh việc thu chi đầu năm. Phòng cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra hơn 10 trường học. Riêng đối với Trường Mầm non xã Hưng Thắng thì chưa kiểm tra. Đến thời điểm này, Phòng cũng chưa nhận được phản ánh gì về việc thu chi trái quy định. Chúng tôi sẽ sớm kiểm tra tại đơn vị này và nếu có sai phạm thì tùy vào mức độ để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm”.

Qua tìm hiểu được biết, ngày 22/9, Phòng GD&ĐT có công văn chỉ đạo về vấn đề này. Công văn ghi rõ: Các khoản thu như tiền học liệu, sách vở… phải do phụ huynh tự mua mà không cần phải nhờ đến người nào khác hoặc cô giáo mua hộ, đơn vị hoặc cá nhân nào cố tình thỏa thuận hoặc mua hộ phải chịu trách nhiệm trước ngành giáo dục.

Được biết, các khoản thu của nhà trường cũng chưa được sự phê duyệt của Phòng GD&ĐT huyện mà do nhà trường tự ý công khai và thu một số khoản như đã thông báo với phụ huynh. Ngày 26/10, trong cuộc trao đổi giữa Ban giám hiệu (BGH) nhà trường và phóng viên, Hiệu trưởng và Kế toán thừa nhận, Trường đã gửi văn bản lên Phòng GD&ĐT nhưng chưa được phê duyệt.

Khẩn trương kiểm điểm giáo viên

Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh, Đảng ủy xã Hưng Thắng đã có công văn chỉ đạo UBND xã, BGH nhà trường tổ chức cuộc họp để giải trình; đồng thời, giao cho UBND xã chỉ đạo nhà trường tạm dừng, chưa thu các khoản đóng góp mang tính tự nguyện, thỏa thuận khi chưa có sự thỏa thuận, thống nhất cao trong phụ huynh. Sáng 26/10, UBND xã đã có buổi làm việc với BGH nhà trường, yêu cầu giải trình các vấn đề mà phụ huynh phản ánh.

Ông Phan Quang Mão, Chủ tịch UBND xã Hưng Thắng cho biết: “Trước khi nhà trường đưa ra mức vận động xã hội hóa, UBND xã đã chỉ đạo nhà trường họp phụ huynh để đưa ra thảo luận và thống nhất trong phụ huynh. Theo đó, tổ chức phát phiếu thăm dò ý kiến phụ huynh và tập hợp các ý kiến, đồng thời giải thích cho phụ huynh hiểu. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhà trường đã bộc lộ sai sót trong cách thức tổ chức và điều hành. Chúng tôi đã làm việc với BGH nhà trường để kiểm điểm những người có trách nhiệm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp phụ huynh để tập hợp các ý kiến nhằm đi đến thống nhất, tạo sự đồng thuận cao trong phụ huynh. Với khoản thu để mua sắm học liệu trái quy định, nếu đồ dùng nào mua rồi Trường phải xin ý kiến phụ huynh có đồng ý đưa vào sử dụng hay không, còn những khoản chưa mua thì kiên quyết trả lại cho phụ huynh. Về thái độ của cô Hiệu trưởng như phụ huynh phản ánh, chúng tôi sẽ có cuộc làm việc riêng để kiểm điểm nghiêm túc”.

Huyền Thương

Các tin khác