Văn hóa - Giáo dục
Làng chèo ngày xuân
(Congannghean.vn)-Một mùa xuân mới đang về. Đây cũng là thời điểm các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) chèo xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nô nức bước vào mùa hội. Từ cụ già đến các em nhỏ đều hào hứng với những trang phục, đạo cụ quen thuộc của nghệ thuật hát chèo. Những ánh mắt, nụ cười hồn hậu, bình dị ngoài đời nhanh chóng nhập vai Thị Mầu, Tấm, Cám... một cách chuyên nghiệp.
Nếu chỉ xem họ biểu diễn trên sân khấu, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ rằng những con người này sinh ra là để gắn bó với nghệ thuật hát chèo. Thế nhưng, đằng sau các vai diễn đặc sắc, ấn tượng đó là những bàn tay chai sạn, nứt nẻ vì đồng ruộng. Bằng tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống, họ đã xua tan nỗi nhọc nhằn của cuộc sống đời thường bằng những làn điệu, nhịp phách đặc trưng của nghệ thuật hát chèo truyền thống...
Đất chèo Quỳ Lăng
Theo ghi chép của lịch sử, nghệ thuật hát chèo thâm nhập vào Nghệ An thông qua con đường giao thương. Trong quá trình ra các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ để buôn bán, người dân các vùng biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật hát chèo và mang về phổ biến tại quê hương mình. Xưa, Lăng Thành còn có tên gọi là Quỳ Lăng. Đây là vùng đất giàu có của Đông Yên Nhị huyện, nhiều trai làng của các xã Diễn Kim, Diễn Bích, huyện Diễn Châu rủ nhau lên Quỳ Lăng làm thuê cho nhà giàu, mang theo nghệ thuật hát chèo truyền thống đến vùng đất này. Sau đó, họ lập gia đình rồi xây dựng cuộc sống tại đây.
Ông Đào Hưu là người đầu tiên mang làn điệu chèo của vùng đồng bằng Bắc Bộ đến nơi này. Từ đó, nghệ thuật hát chèo cùng với làng chèo Quỳ Lăng được hình thành và ngày càng phát triển.
Ông Bách, bà Xuân là một trong 4 cặp vợ chồng bén duyên nhau từ niềm đam mê hát chèo |
Ông Đậu Xuân Bách (70 tuổi), một trong những hội viên lớn tuổi của CLB chèo Lăng Thành nhớ lại: “Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Lăng Thành là một trong những trạm giao liên, nơi nghỉ chân của các đoàn quân Nam tiến. Lúc đó, tôi là đội trưởng đội văn nghệ, ngày đi làm, đêm về ra sân đình biểu diễn các vở chèo cổ cho anh em chiến sỹ xem. Để đảm bảo an toàn, nhiều hôm đội văn nghệ tổ chức biểu diễn dưới hầm. Bên ánh đèn măng sông mờ ảo, những giọng hát lúc thiết tha, trầm bổng, lúc háo hức, vui nhộn được cất lên từ niềm đam mê cháy bỏng của các thành viên CLB”.
Được thành lập từ năm 2007, CLB chèo Lăng Thành hiện có trên 40 thành viên, với đầy đủ mọi lứa tuổi. Các thành viên trong CLB là những người có một chút năng khiếu trời phú và niềm đam mê với nghệ thuật hát chèo. Hầu hết những người con sinh ra trên đất Lăng Thành đều biết hát một vài làn điệu chèo và yêu thích bộ môn nghệ thuật này đến kỳ lạ. Mỗi khi sắp đến hội diễn, các thành viên trong CLB đều tạm gác mọi công việc của gia đình để cùng ra sân đình hay đến nhà của các hội viên để tập luyện.
Bà Hoàng Thị Loan (55 tuổi), Phó chủ nhiệm CLB, người hóa thân thành công các vai diễn về người mẹ cho biết: “Mọi người trong gia đình tôi đều hát chèo rất hay, đặc biệt là mẹ và anh trai. Tôi được nuôi dưỡng và lớn lên từ những làn điệu quen thuộc ấy; để đến hôm nay, hát chèo đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ngoài những giờ tập luyện, biểu diễn, tôi có thể hát chèo mọi lúc, mọi nơi...”.
Ngoài năng khiếu hát chèo, bà Loan còn có tài độc tấu đàn bầu. Qua mỗi lần tham gia các hội thi, bà đều được các đoàn chèo của tỉnh và Trung ương mời về làm việc, biểu diễn nhưng bà đều từ chối vì nhiều lý do. Thế nhưng, tận sâu trong thâm tâm, bà rất muốn “khăn gói” theo họ để được mở mang tầm mắt, được hát, múa cho thỏa niềm đam mê. Mỗi lần có hội diễn, bà lại tất bật gói gém trang phục, đạo cụ để đi hát. Sau những đêm diễn, bà Loan lại trở về với ruộng đồng, với nghề may vá đã gắn bó bao năm. Dù lao động vất vả nhưng bà vẫn không quên ru con bằng những làn điệu chèo mộc mạc, bình dị. Niềm vui lớn nhất của bà là hai cô con gái lớn đã nối nghiệp mẹ và trở thành những thành viên nổi bật trong các đoàn chèo chuyên nghiệp.
Chiếu chèo Quỳ Lăng hăng say tập luyện |
Trong những năm tháng gắn bó với nghệ thuật hát chèo, bà Loan không nhớ nổi mình đã đảm nhận bao nhiêu vai diễn. Những vai diễn của bà rất đa dạng về tính cách, khi là Thị Mầu đanh đá, lúc lại là cô Tấm ngoan hiền, hiếu thảo...
Với bà, vai diễn bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ trong vở chèo “Dòng sông tình mẹ” để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc hơn cả. Khi được giao vào vai một người mẹ vĩ đại của dân tộc, bà không khỏi hồi hộp, lo lắng. Nhiều đêm bà trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để diễn tả chân thực nhất tình thương bao la, đức hy sinh cao cả của người mẹ đáng kính ấy? Vậy nhưng, khi biểu diễn, bà đã hóa thân vào vai diễn một cách rất “ngọt”. Bởi theo bà, thời khắc ấy, bà được sống thật với chính mình, xuất phát từ tình yêu thương dành cho chồng con và những trăn trở rất đỗi bình dị của bất cứ người mẹ Việt Nam nào. Giờ đây, khi con cái đã trưởng thành, điều kiện kinh tế gia đình khấm khá hơn, niềm đam mê, tâm huyết với chèo của bà như được tiếp lửa.
Tình yêu dành cho nghệ thuật của bà Loan đã được đền đáp bằng những phần thưởng ý nghĩa như: Huy chương Vàng tiết mục độc tấu đàn bầu (1979), giải Nhất cuộc thi hát ru toàn huyện Yên Thành (1992) và nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích là diễn viên xuất sắc của tỉnh. Đặc biệt, năm 1986, bà Loan được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích góp phần xây dựng sự nghiệp VHTT. Những phần thưởng đó chính là nguồn động viên to lớn để bà tiếp tục cống hiến cho bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Bà Loan chia sẻ rằng, không ít lần bà nuối tiếc vì không nắm bắt cơ hội đến với loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp. Thế nhưng đổi lại, CLB chèo Lăng Thành được thành lập là nơi để bà sống hết mình với đam mê và tìm thấy niềm hạnh phúc giản dị bên cạnh những con người mộc mạc, gần gũi và yêu hát chèo đến cháy bỏng.
Mảnh đất Lăng Thành cũng là nơi sản sinh và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật chèo truyền thống của những người con ưu tú như nghệ sỹ chèo Thanh Hoa nổi danh ở Nhà hát chèo Trung ương. Và có lẽ, không ít những người con ở đất Lăng Thành đã tìm thấy chính mình qua những làn điệu chèo đa dạng các cung bậc cảm xúc. Trong số ấy, có người thành danh, có người nổi tiếng, nhưng cũng có người không tự tin đứng hát trước đám đông. Thế nhưng với họ, làn điệu chèo của quê hương đã trở thành hơi thở, món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống...
Bén duyên từ hát chèo
CLB chèo Lăng Thành hiện có 4 cặp vợ chồng thường xuyên tham gia sinh hoạt. Họ cảm mến nhau qua những lần cùng tập luyện, biểu diễn. Bà Nguyễn Thị Xuân nhớ lại: “Hồi nhỏ, tôi có dịp được xem vở chèo Phạm Công - Cúc Hoa, vì thích quá nên đã tìm đến nhà hai anh em đóng Phạm Công, Cúc Hoa để làm quen và nhờ họ chỉ bảo thêm. Lúc đó không có giấy bút để ghi nhưng không hiểu sao tôi lại có thể nhớ rõ những đoạn hội thoại dài. Sau đó, tôi được tuyển vào đội văn nghệ của xã. Ông Bách là đội trưởng đội văn nghệ lúc bấy giờ. Chúng tôi thường xuyên luyện tập và biểu diễn cùng nhau rồi cảm mến nhau lúc nào không hay”.
Giờ đây, dù đã xấp xỉ 70 tuổi nhưng hai ông bà luôn chuẩn bị sẵn hai hộp “đồ nghề” gồm khăn, áo, mũ, son phấn... để sẵn sàng biểu diễn khi có hội. Sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng, ông bà cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời còn đi hát dưới đạn bom. Thỉnh thoảng, hai ông bà lại sắm vai, diễn một mạch từ đầu đến cuối vở “Đường về trận địa”. Gần 50 năm chung sống, gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn thường trực trên vai nhưng ông bà vẫn luôn dành thời gian để sống với niềm đam mê hát chèo.
Ở tuổi xế chiều, ông Bách và bà Xuân luôn trăn trở làm thế nào để gieo tình yêu hát chèo vào tâm thức của thế hệ trẻ. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ông bà lại truyền dạy những làn điệu chèo cho con cháu với mong muốn những “hạt nhân” này sẽ góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát chèo qua những thăng trầm của cuộc sống...
Đức Thắng