Văn hóa - Giáo dục
Người tận tâm với nghề 'lái đò'
(Congannghean.vn)-Trong 20 năm gắn bó với nghiệp cầm phấn, thầy Lê Minh Thiên, giáo viên Trường THCS Đặng Chánh Kỷ, huyện Nam Đàn đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò khôn lớn, trưởng thành trên đường đời. Với thầy Thiên, mỗi học trò như một người con mà thầy luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu để giáo dục, chỉ bảo và chắp cánh cho những “cánh chim” non nớt này bay cao, bay xa...
Thầy Thiên yêu thích văn chương từ thời thơ ấu. Ngày ấy, sách vở còn khan hiếm nên mỗi lần mượn được những quyển thơ, tiểu thuyết, cậu học trò Thiên lại ngấu nghiến đọc. Được trời phú cho khả năng nhớ nhanh và lâu nên chỉ cần đọc qua, Thiên đã thuộc cả bài thơ dài. Đọc và cảm nhận được cái hay, cái đặc sắc của mỗi tác phẩm, Thiên lại muốn tìm hiểu sâu hơn và đặc biệt, cậu học trò này luôn mong muốn đem những cái hay trong từng áng thơ, câu văn truyền tải đến mọi người. Ước mơ trở thành thầy giáo dạy Văn theo thời gian cứ lớn dần lên trong Thiên.
Chọn khoa Ngữ văn Trường Đại học Vinh làm nơi thực hiện ước mơ, sau khi tốt nghiệp, thầy Thiên về công tác tại Trường năng khiếu Nam Đàn. Được sống với đam mê của mình, thầy đã thắp lên ngọn lửa tình yêu văn học đến bao thế hệ học sinh.
Thầy Lê Minh Thiên luôn dành trọn tâm huyết với các em học sinh |
Theo thời gian, thầy nhận thấy các thế hệ học sinh hiện nay không còn mấy mặn mà, đam mê với môn học dạy làm người. Những phương pháp dạy truyền thống không còn sức hấp dẫn với học trò, vì vậy, để thu hút các em, đòi hỏi phải có phương pháp mới và có sức hút hơn. Thầy Thiên luôn là người đi đầu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong mỗi tiết học, giữa thầy và trò luôn có sự tương tác, như việc áp dụng trò chơi giải ô chữ, tổ chức thi vẽ để thể hiện được nội dung của tác phẩm… Những hình thức này luôn khơi dậy sự hứng thú của các em với môn học.
Ngoài ra, thầy còn đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong việc khai thác hình ảnh, âm thanh minh họa cho bài học. “Khi áp dụng CNTT vào dạy học, bài giảng trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Những bài thơ, câu chuyện được truyền tải một cách sinh động. Điều này là động lực để tôi tích cực nghiên cứu và sáng tạo ra những cách dạy mới”, thầy Thiên chia sẻ.
Trong những phương pháp giảng dạy mới của thầy, có không ít sáng kiến được Sở GD&ĐT công nhận và được áp dụng, phổ biến rộng rãi như “Phương pháp dạy các tác phẩm thơ trữ tình trong chương trình Ngữ Văn THCS” (được công nhận là đề tài sáng tạo khoa học cấp tỉnh năm 2012 - 2013). Quá trình công tác, thầy có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ Văn và bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi các cấp.
Những năm đầu mới vào nghề, thầy đã bồi dưỡng cho 8 học sinh dự thi học sinh giỏi tỉnh và đều đạt giải; lập “kỳ tích” cho ngành giáo dục của huyện năm đó. Liên tục từ năm học 2011 - 2012 đến nay, đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ Văn của huyện Nam Đàn do thầy bồi dưỡng luôn đạt được thành tích cao.
Với học sinh, thầy Thiên như người cha. Với đồng nghiệp, thầy như người anh, luôn được các thế hệ giáo viên tôn trọng và yêu quý bởi sự giản dị và cái tâm với nghề.
Sự tận tâm với nghề, tận tụy với học trò của thầy đã được ghi nhận với những danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh” trong nhiều năm liền. Thầy cũng vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen năm học 2007 - 2008. Năm học 2012 - 2013, thầy là đại diện duy nhất của ngành giáo dục huyện Nam Đàn được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu của tỉnh giai đoạn 2008 - 2013 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Phương Thủy