Văn hóa - Giáo dục

Chuyện người giữ hồn văn hóa cồng chiêng

10:03, 13/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Là người nặng lòng với văn hóa cồng chiêng và văn hóa của dân tộc mình, ông đã dành phần lớn thời gian để đi khắp nơi, không chỉ trong nước mà còn ra tận nước ngoài để sưu tầm, giới thiệu những đặc trưng của cồng chiêng. Ông là Hoàng Văn Thái (75 tuổi), người dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ông Hoàng Văn Thái từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, sau đó phục viên về quê hương và công tác nhiều năm tại UBND huyện Nghĩa Đàn trước khi nghỉ hưu theo chế độ. Trong thời gian còn làm việc và cả khi đã nghỉ hưu, sinh sống tại xã Nghĩa Mai - nơi có 73% người dân là đồng bào các dân tộc Thanh, Thái, Thổ, ông Thái luôn trăn trở về việc phải làm thế nào để gìn giữ bản sắc của dân tộc mình, nhất là trong bối cảnh hội nhập văn hóa sâu rộng như hiện nay.

Trong ký ức của ông, từ thời xa xưa, cồng chiêng là loại nhạc cụ mang bản sắc riêng của người Thổ, Thanh, Thái; mỗi dân tộc lại có cách chơi khác nhau. Trong bất cứ nghi thức hay lễ hội nào của bà con cũng đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tuy nhiên, theo thời gian, cồng chiêng hư hỏng dần, thêm vào đó, người dân lại bận rộn với việc lao động nên loại hình nhạc cụ đặc sắc này dần rơi vào quên lãng.

Ông Thái say sưa giới thiệu về những bộ cồng chiêng mà mình sang tận Lào để tìm mua
Ông Thái say sưa giới thiệu về những bộ cồng chiêng mà mình sang tận Lào để tìm mua

Dự định khôi phục lại văn hóa cồng chiêng được ông Thái ấp ủ từ rất lâu nhưng chưa có thời gian thực hiện. Đến năm 2001, ông đưa bộ cồng chiêng gia truyền của gia đình ra lau chùi thì rất xót xa bởi một số chiếc đã hư hỏng. Vì vậy, ông nảy ra ý định đi mua bộ cồng chiêng khác về thay thế.

Sau khi tìm kiếm tại nhiều bản làng nhưng không tìm được bộ cồng chiêng như ý, nghe một người bạn ở Lào “mách nước”, ông đã lặn lội sang tận nước bạn và đã chọn được bộ cồng chiêng ưng ý gồm 4 chiếc rồi mang về. Từ khi có “bảo vật” mới, đêm nào ông cũng mời các bạn hữu đến chơi và thưởng thức loại hình nhạc cụ độc đáo này. Ban đầu, người dân còn nghe lạ tai nhưng sau đó, nhiều người đã quen với tiếng cồng chiêng. Nếu đêm nào không được nghe, họ lại thấy nôn nao, nhung nhớ.

Giờ đây, khi đến xã Nghĩa Mai, nhiều người sẽ có dịp nghe những làn điệu, câu hát đối đáp trong lúc chơi cồng chiêng của bà con người dân tộc Thổ. Những câu hát mộc mạc, chân tình: “Cám ơn anh chị trong nhà/ Đem chiêng ra đánh thật là vui say”, hay những câu hát giữa chàng trai và cô gái: “Em về răng được mà về/Bức thư chưa gửi, lời thề chưa trao”… như níu chân du khách bởi sự mê đắm lòng người.

Ông Hoàng Văn Thái cho biết: “Trong thời gian bỏ công sức và đam mê để khơi dậy những nét đẹp văn hóa dân tộc, tôi mới biết còn nhiều người cũng nặng lòng với cồng chiêng lắm”. Bởi khi biết ông mua được bộ cồng chiêng ưng ý, có rất nhiều người tìm đến nhờ ông giới thiệu địa chỉ hoặc dẫn đi mua. Đến nay, ở xã Nghĩa Mai đã có 5 bộ cồng chiêng mới được người dân tìm mua. Ngoài ra, ông Thái còn mua giúp 5 bộ cho những người dân xã khác. Hiện, ngoài bộ cồng chiêng được mua năm 2001, ông còn mua thêm một bộ mới.

“Đồng bào Kinh, Thái, Thổ trong xã như người một nhà, ai cũng có thể chơi được cồng chiêng và hát múa. Mỗi lần mang cồng chiêng ra đánh, người dân tìm đến chật kín cả sân. Cồng chiêng như là cầu nối, sợi dây đoàn kết, giúp bà con xích lại gần nhau”, ông Thái hào hứng chia sẻ.

Điều khiến ông Thái vui mừng nhất là những việc làm của ông đã góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình. Không chỉ riêng người Thổ, rất nhiều người Kinh cũng tìm đến nhờ ông dạy đánh trống, thổi kèn và đánh cồng chiêng. Khi trong xã có đám cưới, ông đi vận động từng gia đình chơi cồng chiêng trong buổi tối để tạo không khí vui tươi, đồng thời đây cũng là là một hình thức để thế hệ trẻ lưu giữ bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Trong nhịp sống hối hả hiện nay, số người chơi cồng chiêng ngày càng ít, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều này khiến ông Thái ngày đêm trăn trở. Vì thế, cứ vào các dịp lễ, hội, bên vò rượu cần, tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng kèn hòa quyện vào nhau, ông Thái lại có thêm động lực để tiếp tục công việc bảo tồn nét đẹp của loại hình nhạc cụ dân tộc.

Phương Thủy

Các tin khác