Văn hóa - Giáo dục
Tiếc thương một gánh tuồng
(Congannghean.vn)-Làng Bình Nguyên, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, xưa là cái nôi của tuồng. Tuy nhiên, qua thời gian, loại hình nghệ thuật độc đáo này ngày càng bị mai một. Để bảo tồn giá trị của tuồng, những nghệ nhân tâm huyết đã tìm mọi cách gìn giữ và phát triển các sân khấu tuồng.
Một thời vang bóng
Làng Bình Nguyên thuộc Kẻ Gám xưa là vùng hát tuồng nổi tiếng. Theo sử làng ghi lại, vào năm 1878, Hiệp biện đại học sĩ Đào Tấn đã từng về đây và gây dựng nên loại hình hát tuồng. Chính vì thế, tuồng Kẻ Gám đã “một thời vang bóng” không chỉ ở xứ Nghệ mà khắp cả nước. Đội tuồng làng Kẻ Gám ngày ấy từng đi lưu diễn nhiều nơi, cả trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là vào tận Thừa Thiên - Huế biểu diễn cho các vị quan, quân triều đình xem.
Cụ Lương Lạng, nghệ nhân tuồng thuộc bậc cao niên của làng cho biết: “Tuồng cổ làng Gám “nở rộ” vào năm 1960 cho đến những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước. Ở các thôn, xóm, ngay cả các đội sản xuất, các dòng họ cũng thành lập hội tuồng riêng của mình”.
Hóa trang trước giờ biểu diễn |
Những năm chiến tranh bom đạn ác liệt, ban ngày người dân Kẻ Gám đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đêm đến lại dựng lán, chòi đón khách phương xa đến xem biểu diễn. Những câu hát tuồng ngân vang tạo nên không khí rộn ràng ở khắp làng trên xóm dưới. Tiếng trống, tiếng ca trong các vở tuồng vang vọng khắp sân đình, dưới từng mái nhà và trên cả những cánh đồng xanh mướt.
Hồi ấy, nhiều kép - đào “nở rộ” khắp Kẻ Gám, trong đó có những bậc “gạo cội” như ông Hoàng Tao, Thái Vân, Chánh Thể, Trần Chế, Vũ Đề, Thái Hịnh… Những kép - đào này đã thắp lên ngọn lửa đam mê tuồng trong mỗi người làng Kẻ Gám. Họ đã trở thành những người thầy trao truyền cho các thế hệ mai sau những nét đẹp độc đáo của tuồng và cả lòng nhiệt huyết, đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Nói đến Kẻ Gám, người dân xứ Nghệ ai cũng biết đây là cái nôi của loại hình tuồng truyền thống. Ở nơi này, tuồng đã trở thành một phần máu thịt, món ăn tinh thần không thể thiếu. Tuy nhiên, thời gian qua, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên tuồng dần bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Trải qua thăng trầm thời gian, một thời gian dài, tuồng ở làng Kẻ Gám đã dần bị lãng quên...
Nỗ lực “cứu” tuồng
Trong một giai đoạn dài, “sự sống” của tuồng luôn bị đe dọa. Thế nhưng, ngọn lửa đam mê hát tuồng vẫn âm ỉ cháy trong mỗi người con làng Kẻ Gám. Ông Vũ Đình Huề, nguyên Bí thư chi bộ xóm là một người rất tâm huyết và đam mê với nghệ thuật tuồng.
Ông tâm sự: “Trước nguy cơ mai một của tuồng, những người có tâm huyết với tuồng như tôi luôn trăn trở, day dứt nên đã bàn nhau khôi phục lại. Dân làng mê hát tuồng lắm. Niềm yêu thích tuồng luôn âm ỉ cháy trong mỗi người nên nếu biết cách khơi dậy thì ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy. Khi có đề xuất thành lập đội tuồng, dân làng đều rất ủng hộ.
Người dân háo hức xem tuồng Bình Nguyên |
Đội tuồng gồm 4 nhạc công và 11 diễn viên được thành lập. Họ đều là nông dân nhưng lại có năng khiếu về tuồng. Chúng tôi đã mời nghệ nhân Lương Lạng đến tập luyện cho các thành viên. Đội tuồng do người dân thành lập nên không có kinh phí để chi trả cho diễn viên. Trang phục và sân khấu đều đi mượn, nhưng ai cũng háo hức, phấn khởi tham gia tập luyện”.
Từ đầu năm 2009, tuồng làng Bình Nguyên được “đánh thức”. Đội tuồng làng thành lập không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của bà con trong làng, xã mỗi dịp Tết đến, xuân về… mà còn được nhiều nơi trong và ngoài huyện mời đi giao lưu, biểu diễn.
Bao giờ tuồng đẹp như xưa?
Tưởng như tuồng làng Bình Nguyên đã hồi sinh, thế nhưng cũng chỉ được vài năm rồi lại lắng xuống. "Ánh hào quang" của một thời để nhớ chỉ còn lại trong ký ức bởi những nghệ nhân của làng tuồng Bình Nguyên đa phần đã bước vào tuổi xế chiều hay đã về với tổ tiên. Cũng có người vì cuộc sống mưu sinh mà dù yêu thích tuồng, họ cũng không có thời gian để “sống trọn” với niềm đam mê...
Chị Thái Thị Lan (50 tuổi) tâm sự: “Tôi biết hát tuồng từ bé, trước đây cũng đã tham gia trong đội tuồng của xóm nhưng vì nhiều lý do nên mấy năm nay không được biểu diễn. Nhiều lúc nhớ lắm nhưng cũng chỉ biết hát một mình”.
Nghệ nhân tuồng Lương Lạng, nay đã ngoài 80 tuổi cho biết: “Tuồng làng vang bóng một thời nay đã mai một, khiến chúng tôi - những nghệ nhân tuồng luôn trăn trở. Vì khi thế hệ chúng tôi không còn nữa thì sẽ không có người kế cận. Điều mà tôi mong muốn là địa phương sớm có sự đầu tư để khôi phục, mở rộng mô hình câu lạc bộ hát tuồng, trong đó chú trọng việc truyền dạy cho lớp trẻ, để tuồng làng không bị thất truyền”.
Nói về sự mai một của tuồng làng, ông Đào Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Tăng Thành cho biết: Tuồng làng mai một có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là các đội tuồng không có kinh phí để duy trì hoạt động. Ngoài ra, những người “giữ lửa” tuồng truyền thống theo thời gian cũng ít đi, trong khi không có người “nối dõi”… Chúng tôi cũng băn khoăn lắm, nhưng “lực bất tòng tâm”.
Chúng tôi xin được mượn lời của Tiến sĩ văn học Lê Thanh Nga để làm đoạn kết cho bài viết này: “Việc khôi phục lại tuồng làng không những bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật truyền thống mà nó còn chống lại mặt trái của nghệ thuật công nghiệp, chống suy thoái đạo đức. Tuồng làng phát triển sẽ tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Tôi nghĩ, nếu như làng nào cũng tổ chức được đội tuồng thì hay biết mấy!”.
Tiến Dũng