Văn hóa - Giáo dục
Vinh danh những nghệ nhân thầm lặng
(Congannghean.vn)-Sở VH-TT&DL vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2011 - 2015 và trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ nhất năm 2015. Dịp này, có 39 nghệ nhân được vinh danh. Những nghệ nhân này là những người dân bình thường nhưng nặng lòng với văn hóa vùng miền nên đã có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Những nghệ sĩ thầm lặng
Chúng tôi có mặt tại Lễ vinh danh những nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất, gặp gỡ những nghệ sĩ thầm lặng lần đầu tiên được bước lên sân khấu để nhận danh hiệu cao quý. Trong suốt cuộc đời, khi bỏ thời gian, công sức để bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp, di sản văn hóa và truyền lại nhiệt huyết, niềm đam mê cho các thế hệ kế cận về tình yêu văn hóa dân tộc, không ai trong số các nghệ nhân này nghĩ rằng, sẽ có lúc mình được vinh danh, ghi nhận.
Người nhiều tuổi nhất là cụ bà Trần Thị Như (98 tuổi) trú tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, được vinh danh vì có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Cụ Như sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về văn hóa nghệ thuật, với 5 thế hệ đều gắn bó với ví, giặm. Đại gia đình của cụ đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản này. Bản thân cụ có nhiều thành tích, giải thưởng trong việc thực hành, truyền dạy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Năm 2012, cụ Trần Thị Như được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa.
Vinh danh 39 nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất năm 2015 |
Nghệ nhân Đinh Thị Minh Nguyệt (44 tuổi) trú tại bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, đã có 19 năm gắn bó với nghệ thuật trình diễn dân gian về dân ca dân tộc Thái, cồng chiêng, khắc luống và đã truyền dạy cho hơn 2.000 học trò. Chị Nguyệt cũng là người thông thạo các làn điệu dân ca dân tộc Thái như khắp, suối, lăm, nhuôn và trình diễn cồng chiêng, khắc luống. Ngoài ra, chị còn tự mình tổ chức dàn dựng chương trình để tham gia các hội thi, hội diễn từ địa phương đến Trung ương. Những chương trình, tiết mục do chị “chắp bút” đều đạt giải cao.
Năm 1975, chị được tỉnh Nghệ Tĩnh công nhận, khen thưởng là diễn viên nhỏ tuổi nhất; đạt giải B cuộc thi Tiếng hát Làng Sen tỉnh Nghệ An năm 1985. Ngoài ra, chị còn được trao nhiều giải thưởng khi tham gia các chương trình tiếng hát các dân tộc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An.
Thời khắc nhận giải thưởng nghệ nhân ưu tú, chị Nguyệt xúc động cho biết, trong quãng thời gian hoạt động nghệ thuật gắn với văn hóa Thái cổ, đây là lần mà chị cảm thấy vinh dự, xúc động và tự hào nhất. Giải thưởng cao quý này sẽ là động lực tinh thần to lớn để chị tiếp tục gắn bó, cống hiến nhiều hơn nữa trong công cuộc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật của dân tộc, đồng thời trao truyền ngọn lửa của tình yêu, niềm đam mê với các giá trị di sản đến với những thế hệ kế cận.
Cũng tại lễ vinh danh, trong số 39 nghệ nhân lần này, có rất nhiều người lần đầu tiên được nhận giải thưởng mà trong quá trình hoạt động nghệ thuật, chưa một lần họ nghĩ rằng bản thân sẽ được ghi nhận bằng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cao quý. Trong đó có nghệ nhân Nguyễn Đình Tựu (SN 1948) trú tại khối 16, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Trong suốt 46 năm, ông đã truyền dạy các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cho 50 học trò. Ngoài ra, ông còn biên soạn và dàn dựng nhiều tác phẩm từ những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và sử dụng thành thạo một số loại nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt.
Cũng giống như ông Tựu, ông Lương Viết Thoại (SN 1954) trú tại bản Còn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã có 21 năm nặng lòng với văn hóa dân gian. Ông đã có công lớn trong việc sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc Thái qua các tác phẩm như: “Tiếng thét Tồng Lôi”, Tiểu thuyết lịch sử (NXB Nghệ An 2014) cùng nhiều bài viết trên các tạp chí, báo của địa phương đến Trung ương. Ngoài ra, ông còn sở hữu một loạt tác phẩm chưa xuất bản như: Đánh một tiếng Cồng, Đền Chọng, Lịch sử hình thành và phát triển Mường Ham… Cùng với đó, có rất nhiều nghệ nhân khác cũng lần đầu tiên được xướng tên, vinh danh trên sân khấu lớn. Ai cũng rưng rưng xúc động, nghẹn ngào.
Sẽ tiếp tục vinh danh
NSND Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An cho biết: 39 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lần này có sự phong phú, đa dạng về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và tri thức dân gian. “Họ là những người vừa có phẩm chất đạo đức lẫn tài năng về nghệ thuật, có nhiều đóng góp và cống hiến trong việc truyền dạy các giá trị di sản truyền thống của địa phương; góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Tôn vinh nghệ nhân là một trong những hình thức quan trọng nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa phi vật thể. Công tác bảo vệ di sản và phát huy các giá trị văn hóa phải được tiến hành thường xuyên, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của những người làm công tác này”, NSND Phạm Tiến Dũng cho biết.
Ông Dũng thông tin thêm, sau lần vinh danh thứ nhất, ngành văn hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, thẩm định và lựa chọn những cá nhân ưu tú nhất để kịp thời ghi nhận, khuyến khích họ tiếp tục gắn bó với sự nghiệp bảo tồn, lưu giữ các loại hình di sản phi vật thể của dân tộc. Ngoài những nghệ nhân được vinh danh lần này, trên thực tế, còn rất nhiều người gần như đã dành trọn cả cuộc đời với văn hóa dân gian mà không hề có bất cứ đòi hỏi nào.
Tiêu biểu như các cụ Nguyễn Trọng Đổng (SN 1932), gắn bó với văn hóa dân gian trong hơn 60 năm. Ông là người nắm giữ, thực hành và trao truyền nhiều loại hình di sản, đặc biệt là các làn điệu cổ. Bản thân ông cũng có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình thực hành và trao truyền giá trị di sản cho nhiều thế hệ; được tặng nhiều giải thưởng, Bằng khen, Giấy khen trong các kỳ liên hoan, hội diễn, hội thi và thực hành dân ca ví, giặm.
Hay như ông Trần Đức Thắng (SN 1947) trú tại xóm 8, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ. Nghệ nhân này đã có 37 năm gắn bó với dân ca ví, giặm. Bản thân ông cũng rất tích cực trong việc trao truyền loại hình di sản này cho rất nhiều thế hệ và được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam năm 2012. Ngoài ra, còn rất nhiều tên tuổi khác lần đầu tiên được xướng tên trên sân khấu. Họ thực sự là những mạch nguồn lan tỏa, giúp các giá trị di sản phi vật thể nói chung và dân ca ví, giặm nói riêng có sức lan tỏa rộng rãi và sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân cư.
Ông Hoàng Văn Lợi (SN 1947) trú tại xóm 4, xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một trong số những nghệ nhân được vinh danh lần này cho biết: “Bản thân rất vinh dự và phấn khởi khi được nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú". Đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với cá nhân tôi cũng như các nghệ nhân đã và đang cố gắng lưu giữ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống, góp phần bảo tồn hồn cốt của dân tộc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng “truyền nghề” để các giá trị văn hóa của dân tộc lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 919 nghệ nhân dân gian thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong số này, có 39 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đợt 1 năm 2015. Dịp này, UBND tỉnh cũng đã trao tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 11 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2011 - 2015. |
Phương Thủy - Huyền Thương