Văn hóa - Giáo dục

Bạo lực học đường dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý

09:11, 25/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bạo lực học đường không còn là vấn đề mới nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng này. Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến các nữ sinh đã khiến không ít bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Công an Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ tâm lý Lê Thục Anh, giảng viên Khoa Giáo dục, Trường ĐH Vinh.

Tiến sĩ tâm lý Lê Thục Anh trao đổi với phóng viên
Tiến sĩ tâm lý Lê Thục Anh trao đổi với phóng viên

P.V: Xin chào Tiến sĩ Lê Thục Anh! Những ngày gần đây, trên mạng Internet đang lan truyền video clip về một nhóm học sinh THCS đánh hội đồng bạn cùng lớp, được cho là xảy ra tại Trường THCS Trần Phú, phường Phước Vĩnh, TP Huế. Tiến sĩ có suy nghĩ gì về vấn đề này?

TS Lê Thục Anh: Trước hết cần khẳng định rằng, bạo lực học đường không còn là vấn đề mới, chỉ có điều mức độ nghiêm trọng không hoàn toàn giống nhau. Xuất phát từ những lý do nhỏ nhặt nhưng hành động của các em rất bột phát và mang tính chất côn đồ. Riêng đối với video clip đánh bạn ở TP Huế, chúng tôi thật sự bất ngờ trước cách hành xử của học sinh cấp 2. Điều đáng nói hơn đây lại là học sinh nữ, vốn được xem là những người chân yếu tay mềm.
 

P.V: Nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường giữa học sinh với nhau là gì, thưa Tiến sĩ?

TS Lê Thục Anh: Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng nếu xem những video clip bạo lực học đường được lan truyền trên mạng Internet từ trước đến nay có thể thấy rằng, tất cả các vụ đánh nhau đều xuất phát từ những nguyên nhân rất đỗi bình thường: Chấp nhau vì câu nói, ghen tuông từ tình cảm của lứa tuổi mới lớn… Các vụ bạo lực học đường cho thấy một bộ phận học sinh hiện nay ngày càng thiếu sự kiềm chế, các em thích thể hiện và khẳng định bản thân mà không để ý đến hậu quả.

P.V: Xét trên góc độ tâm lý, Tiến sĩ có thể phân tích cụ thể hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay?

TS Lê Thục Anh: Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất thì trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (trung bình 5 vụ/ngày). Khoảng hơn 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau, hơn 11.000 học sinh  thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đây là những con số rất đáng báo động khi các em đang ở lứa tuổi hình thành và phát triển nhân cách.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường được xét trên 3 yếu tố: Thứ nhất là sự phát triển của chính bản thân trẻ, trẻ đang trong giai đoạn hoàn thiện về tâm sinh lý nên thiếu hụt về cách ứng xử, thường có những hành động bột phát, cảm tính, thiếu kiểm soát. Thứ hai, phương pháp giáo dục của gia đình và nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập. Như chúng ta đã biết, gia đình chính là gốc rễ của việc hình thành nhân cách con người, nhưng trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển như hiện nay thì một số gia đình đã không hoàn thành trách nhiệm của mình. Cha mẹ mải mê làm ăn, không có thời gian chăm sóc, chia sẻ tâm tư, tình cảm của con cái nên không thể nắm bắt được tâm lý của các em. 

Điều này sẽ khiến trẻ có cảm giác cô độc, nhiều em cố tình quậy phá, gây gổ đánh nhau để gây sự chú ý với gia đình. Đặc biệt, tình trạng bạo lực gia đình hiện nay vẫn còn xảy ra. Việc phải chứng kiến cảnh cha mẹ mâu thuẫn, đổ vỡ đã làm cho các em nảy sinh tâm lý buồn chán và thích sống buông thả. Bên cạnh đó, ở các trường học hiện nay chủ yếu chú trọng vào việc dạy chữ. Mỗi tuần chỉ có rất ít tiết Giáo dục công dân nên việc dạy các kỹ năng mềm như ứng xử, đạo đức lối sống chưa thực sự mang lại chiều sâu, chưa định hướng được lối sống đúng đắn, lành mạnh cho các em. Thứ ba, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, trẻ có điều kiện tiếp xúc với Internet từ rất sớm, lại thiếu sự giám sát, quản lý của người lớn nên việc các em xem những bộ phim, chơi các trò chơi mang tính bạo lực là điều không thể tránh khỏi. Việc này vô tình làm lệch lạc nhận thức còn non nớt của trẻ, từ đó các em sẽ có những hành động sai trái.

Tình trạng bạo lực học đường ngày càng đáng báo động (Ảnh cắt từ video clip)
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng đáng báo động (Ảnh cắt từ video clip)

P.V: Khi xem các clip về bạo lực học đường, chúng ta có thể thấy hình ảnh một nhóm học sinh lao vào đánh bạn, còn số đông đứng ngoài cổ vũ, quay phim, chụp ảnh chứ không em nào có hành động can ngăn. Đây có thể coi là sự vô cảm không, thưa Tiến sĩ?

TS Lê Thục Anh: Ở lứa tuổi cấp 2, cấp 3 các em thích thể hiện và khẳng định bản thân mà không ý thức được những hành động sai trái của mình. Đây cũng chính là hệ quả của việc các em không được giáo dục cách ứng xử với các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn thấy bạn bị đánh nhưng các em không có động thái can ngăn, ngược lại còn reo hò cổ vũ, điều này chứng tỏ các em thiếu tình yêu thương, không có sự đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh.

P.V: Vấn đề bạo lực học đường hiện nay được ví như “bệnh nặng không có thuốc chữa”. Là chuyên gia  tâm lý, Tiến sĩ có thể đưa ra một vài giải pháp?

TS Lê Thục Anh: Giải pháp tốt nhất hiện nay đó là các bậc phụ huynh phải thật sự quan tâm đến con cái và trở thành rào chắn cho trẻ. Phải xác định rằng, gia đình chính là gốc rễ của việc hình thành nhân cách của trẻ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu và nắm bắt sự thay đổi trong tâm sinh lý của con cái, từ đó kịp thời điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của các em. Hãy tương tác với con nhiều hơn, thay vì để con tương tác với những thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải coi trọng việc giáo dục đạo đức, cách ứng xử, lối sống để các em có những hành vi đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi.

Thầy cô nên gần gũi với học sinh, xây dựng kênh thông tin từ phía học sinh để kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn giữa các em để có biện pháp can thiệp. Ngoài ra, xã hội cần tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em, đặc biệt phải có sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng với các thông tin mang tính bạo lực trên mạng Internet. Và, điều quan trọng hơn cả là sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố trên, bởi mỗi yếu tố có một vị trí quan trọng trong việc hình thành nhân cách của các em. Chỉ khi nào gia đình - nhà trường - xã hội cùng vào cuộc một cách đồng bộ thì khi đó tình trạng bạo lực học đường mới có thể được ngăn chặn và đẩy lùi.

P.V: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Phương Thủy (thực hiện)

Các tin khác