Văn hóa - Giáo dục

Nghề dệt thổ cẩm: Bản sắc văn hóa ở bản Na

09:40, 22/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nếu có dịp đến huyện biên giới Kỳ Sơn, hẳn du khách sẽ không quên được hình ảnh những cô gái dân tộc Thái thướt tha trong trang phục thổ cẩm bên những nếp nhà sàn trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Để lưu giữ được nét đẹp độc đáo này, đồng bào nơi đây đã nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cách TP Vinh (Nghệ An) 250 km về phía Tây Nam, là nơi sinh sống lâu đời của 131 hộ dân bên dòng khe Nhị (chi lưu của sông Nậm Mộ, nơi khởi nguồn của dòng Lam Giang), nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Người dân ở đây không ai còn nhớ nghề dệt có từ bao giờ mà chỉ biết rằng, nghề này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Với bàn tay khéo léo, những người phụ nữ nơi đây đã có nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào Thái bằng những sản phẩm thổ cẩm truyền thống đặc trưng.

Chúng tôi theo chân đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lập đến bản Na vào những ngày cuối năm. Chị Lô Thị Hoa, người dệt thổ cẩm giỏi nhất bản giới thiệu với chúng tôi về những trang phục thổ cẩm được dệt thủ công với đường nét, hoa văn tinh tế, với màu xanh của cỏ cây, màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh mặt trời…

 Phụ nữ bản Na với nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Phụ nữ bản Na với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Chị Lô Thị Hoa chia sẻ: “Trước đây, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Ngày nay, các sản phẩm thổ cẩm đã có mặt rộng rãi trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, tinh tế trong bố cục và hài hòa trong cách phối màu”.

Khi được hỏi về nguyên liệu dệt, chị Hoa cho biết thêm: “Trước kia, dân bản vất vả lắm, phải làm tất cả các khâu từ trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, xe sợi cho đến nhuộm màu bằng các loại lá, cây rừng. Ngày nay, nguyên liệu đã được tư thương bày bán vào các dịp chợ phiên nên bà con không phải vất vả như trước. Tuy nhiên, tôi rất thích những nguyên liệu do mình làm ra, vì giữ được nét văn hóa truyền thống của các thế hệ trước”.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lô Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Lập cho biết: Năm 2010, bản Na được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là vinh dự rất lớn đối với người dân xã Hữu Lập nói chung và chị em phụ nữ bản Na nói riêng. Hiện nay, nghề dệt đã tìm được hướng đi mới. Từ năm 2014, Chi hội phụ nữ của bản đã thành lập 1 tổ dệt gồm 30 chị em. Các thương nhân ở Lào đã tìm đến đặt hàng bằng việc cấp nguyên liệu để thuê chị em dệt. Thu nhập trung bình của mỗi thành viên trong tổ là từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Nghề dệt đã góp phần không nhỏ trong việc đưa tỉ lệ hộ nghèo của bản giảm xuống chỉ còn 28%.

Có thể nói, việc gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở bản Na nói riêng và huyện Kỳ Sơn nói chung đã góp phần lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời làm giảm tỉ lệ hộ nghèo và cải thiện đời sống của bà con nơi đây.

Trần Đức - Duy Thành

Các tin khác