Văn hóa - Giáo dục
Khơi dậy thói quen đọc sách trong thiếu nhi
(Congannghean.vn)-Chiều nào cũng vậy, sau khi tan học, các em học sinh ở khối 4, phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, lại đến nhà bà Năm để đọc sách. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, những chồng sách, báo được xếp gọn gàng trên bàn. Từ khi bà mở điểm đọc sách miễn phí, ngày nào, ngôi nhà cũng nườm nượp người và rộn vang tiếng nói cười.
Là một người yêu sách và luôn xem sách như người bạn tri kỷ, sau khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Năm (SN 1952), nguyên cán bộ Thư viện tỉnh mong muốn xây dựng một thư viện đọc sách miễn phí ở địa phương. Khối 4, phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi bà sinh sống nép mình bên Thành cổ Vinh.
Bà Năm chia sẻ rằng, người dân ở đây chủ yếu là người lao động, người “chạy” chợ, đạp xe ba gác nên cuộc sống còn khó khăn. Trẻ con trong khối cũng vì thế mà thua thiệt hơn so với những đứa trẻ khác ở thành phố, bởi thế, bà luôn mong muốn các cháu có một sân chơi bổ ích. Điều đó đã thôi thúc bà mở một thư viện thiếu nhi cho các cháu.
Khi ý tưởng này được đề xuất với ban cán sự khối, ngay lập tức, mọi người đều tán thành và hoan nghênh nhưng vấn đề đặt ra là xây dựng thư viện ở đâu, bởi khối vẫn chưa có nhà văn hóa. Thế rồi, bà quyết định chọn nhà mình là nơi mở phòng đọc.
Nghĩ là làm, sau khi làm tờ trình gửi Thư viện tỉnh và nhận được sự đồng ý, bà bắt tay bày biện, bố trí phòng đọc ngay giữa phòng khách. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, giản dị như chính con người bà đã trở thành điểm đến của các cháu thiếu nhi và những người yêu sách.
Từ ngày mở “thư viện”, ngôi nhà bà Năm trở thành điểm đến quen thuộc của các em thiếu nhi |
Nếu như trước đây, mỗi khi đi học về, trẻ con trong khối thường tụm ba tụm bảy ngoài đường thì nay, các em lại đều đặn đến nhà bà Năm đọc sách. Những cuốn sách thiếu nhi về khoa học kỹ thuật, động vật, Hạt giống tâm hồn... hay những cuốn truyện tranh có sức hút đặc biệt với các em nhỏ. Khi tôi ghé thăm “thư viện” nhỏ này, các em thiếu nhi đang đọc sách rất chăm chú, say sưa.
Thi thoảng có những chỗ chưa hiểu, các em lại đến hỏi bà Năm và các anh chị lớn tuổi hơn. Có những em mới đi học, đọc viết chưa thạo, bà lại hướng dẫn các cháu tập đọc, phát âm. Không biết từ bao giờ, ngôi nhà của bà đã trở thành điểm đến quen thuộc của trẻ em nơi đây, ở đó, các em được khám phá nhiều điều mới lạ, lại được bà yêu thương, vỗ về, chăm sóc như người thân trong gia đình.
Không chỉ ham đọc sách, các em rất có ý thức trong việc bảo quản sách. Các em đã lập một cuốn sổ tay thư viện để theo dõi việc đọc sách hàng ngày. Bà Năm cho biết: “Các cháu rất có ý thức thi đua, bạn nào làm nhiều việc tốt như siêng đọc sách, biết giữ gìn, bảo quản sách hay giúp đỡ các bạn trong học tập thì được tuyên dương, bạn nào chưa ngoan, hay nghịch ngợm trong giờ đọc sách thì phê bình ngay.
Cuối giờ đọc, bà cháu lại cùng nhau kể chuyện, chơi đố vui. Phần thưởng của bà chỉ là những chiếc bánh, cái kẹo nhưng các cháu thích lắm”. Ngoài sách dành cho thiếu nhi, “thư viện” bà Năm còn có nhiều tờ báo, tạp chí về sức khỏe và phụ nữ. Hàng ngày, dù bận rộn đến đâu, mọi người cũng dành một khoảng thời gian lui tới “thư viện” của bà để tìm đọc.
Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, việc xây dựng các điểm thư viện cộng đồng tại Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn bởi trong xã hội hiện đại, thói quen đọc sách dường như bị lãng quên. Thư viện đánh giá rất cao việc làm của bà Năm và rất mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng để phát triển phong trào đọc sách, góp phần hình thành và xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay”.
Chúng tôi chia tay “thư viện” bà Năm khi trời đã nhá nhem tối. Dù đã hết giờ “mở cửa” nhưng các cháu vẫn say sưa đọc sách.
Trước theo quy định, mỗi ngày, “thư viện” mở cửa 1 tiếng, từ 4 giờ 30 phút đến 5 giờ 30 phút nhưng hiện nay, “thư viện” gần như mở cả ngày. Bởi với những người yêu sách như bà, chứng kiến cảnh mọi người tìm đến sách và chăm chú đọc với sự say mê đến quên cả thời gian thì đó là cả niềm hạnh phúc lớn lao.
Huyền Thương