Văn hóa - Giáo dục

Cô giáo trẻ cắm bản Pà Khốm

09:19, 26/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bản Pà Khốm, xã Tri Lễ là bản vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong (Nghệ An). Bà con đều là người dân tộc H’Mông, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy. Vì vậy, để mang con chữ đến với học sinh nơi đây, các thầy cô giáo đã gặp muôn vàn khó khăn.

Cheo leo điểm trường Pà Khốm

Trường Tiểu học Tri Lễ 2, huyện Quế Phong gồm điểm trường chính ở bản Minh Châu, gần trung tâm xã và 4 điểm trường lẻ là: Pích Niệng, Huồi Luông, Tà Pan, Pà Khốm; trong đó Pà Khốm là bản xa xôi nhất, đường đi vào bản cũng khó khăn nhất. Chính vì vậy, nhiều năm qua, điểm trường Pà Khốm chỉ có một số thầy giáo cắm bản, như 2 thầy Thò Bá Sáu và Nguyễn Văn Tình với thâm niên hàng chục năm.

Năm học này, con đường vành đai biên giới miền Tây Nghệ An đã hoàn thành nên đường đi đỡ vất vả hơn. 3 cô giáo trẻ Nguyễn Thị Yên (SN 1993), Nguyễn Thị Tám (SN 1991) và Trịnh Thị Trúc (SN 1992) đã tình nguyện cắm bản ở điểm trường Pà Khốm.

Lớp học ở điểm trường Pà Khốm, Trường Tiểu học Tri Lễ 2
Lớp học ở điểm trường Pà Khốm, Trường Tiểu học Tri Lễ 2

Bản Pà Khốm nằm ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, là nơi sinh sống của 57 hộ, với 399 nhân khẩu đều là người dân tộc H’Mông. Điểm trường Pà Khốm có 5 lớp học, với 87 học sinh, được bà con trong bản góp sức xây dựng bằng ván gỗ, không có biển tên trường, xung quanh có hàng rào bằng tre để ngăn trâu, bò, lợn.

Thầy Lê Văn Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 2 chia sẻ, địa hình đi vào điểm trường Pà Khốm hiểm trở, núi cao, từ đường nhựa vào đến bản cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Vì thế, nhiều năm qua, ở điểm trường này chỉ có các thầy giáo cắm bản. Năm nay, đường sá thuận lợi hơn nên đã có 3 cô giáo tình nguyện lên cắm bản.

Nỗi lòng cô giáo trẻ ở bản xa

3 cô giáo trẻ vừa rời ghế nhà trường nhận quyết định công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2, ban đầu chưa mường tượng hết những khó khăn, vất vả của cuộc sống nơi đây. Vì vậy, khi lên đến nơi, ai cũng cảm thấy bỡ ngỡ và lo lắng. Cô Nguyễn Thị Tám là người TP Vinh, tỉnh Nghệ An, vốn quen với cuộc sống nơi phố xá đông đúc nên những ngày đầu lên công tác, cô chỉ biết khóc vì nhớ nhà. “Em mới tốt nghiệp, quen cuộc sống nhộn nhịp và sống trong sự đùm bọc của gia đình nên khi lên đây dạy học, phải một mình chăm sóc bản thân. Hơn nữa, ở xã này lại không có điện, internet và sóng điện thoại nên mỗi khi nhớ nhà cũng không có cách nào liên lạc được”.

Còn cô Trịnh Thị Trúc quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, năm 2013 tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cô nhận quyết định lên công tác tại trường ở miền biên viễn. Mẹ cô thương con gái phải sống xa gia đình, cuộc sống thiếu thốn nhưng cũng không dám khóc, chỉ động viên con cố gắng vì nơi đó các em học sinh rất cần cô giáo. Đường sá đi lại khó khăn nên để về thăm nhà, cô Trúc phải đi mất cả ngày đường, vì vậy, từ khi lên đây nhận công tác, mỗi năm cô chỉ về thăm nhà một vài lần.

Những bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua. Sau một thời gian công tác, với tình yêu nghề, yêu trò, các cô đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để dạy dỗ học sinh. Cuộc sống vật chất thiếu thốn, xa gia đình, nhưng bù lại, các cô nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà trường và sự động viên của những người thầy có thâm niên cắm bản hàng chục năm.

Đặc biệt, tính thật thà, hiếu khách của người dân nơi đây đã giúp các cô vơi bớt nỗi nhớ nhà. Sau mỗi giờ lên lớp, các cô lại tới từng nhà người dân trong bản để hỏi han, tâm sự. Bà con nơi đây ai cũng quý mến các cô, có công việc gì trong gia đình, trong bản đều mời các cô tới tham gia, góp vui. Lâu dần, các cô giáo trẻ cũng coi người dân nơi đây như người thân, gia đình của mình.

Phương Thủy

Các tin khác