Văn hóa - Giáo dục

Những ngọn đèn soi tỏa

08:25, 20/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dẫu không được đào tạo về sư phạm nhưng với năng khiếu sư phạm cộng với kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều năm công tác và sự cần mẫn, niềm đam mê, họ đã đến với nghề giáo như một cơ duyên. Từ những bỡ ngỡ ngày đầu đứng lớp, họ đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo những phương pháp giảng dạy phù hợp để học viên tiếp thu một cách nhanh nhất. Đó là những người thầy trong lực lượng Công an Nghệ An.

Ngày 20/11 hàng năm, những cán bộ làm công tác giảng dạy trong Công an Nghệ An nhận được rất nhiều lời chúc mừng của các học viên, đồng nghiệp. Sự ghi nhận của lãnh đạo Công an tỉnh, đồng nghiệp và tình cảm yêu mến, quý trọng của học trò chính là món quà lớn nhất đối với các thầy trong ngày lễ đặc biệt này.

Những người thầy trong lực lượng Công an là những tấm gương sáng              về sự chuẩn mực và tính mô phạm (Trong ảnh: Thầy giáo Hoàng Trọng Đống giảng bài cho học viên của lớp công dân phục vụ có thời hạn)
Những người thầy trong lực lượng Công an là những tấm gương sáng về sự chuẩn mực và tính mô phạm (Trong ảnh: Thầy giáo Hoàng Trọng Đống giảng bài cho học viên của lớp công dân phục vụ có thời hạn)

Theo thầy giáo Hoàng Trọng Đống, giáo viên thỉnh giảng kì cựu nhất của Công an tỉnh thì sự tôn vinh lớn nhất đó là đi đến đâu cũng được nghe tiếng gọi “thầy” trìu mến và rất đỗi thân thương. Đồng chí Đại tá Hồ Văn Tăng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, đội ngũ giáo viên trong Công an tỉnh có 34 đồng chí, bao gồm cả giáo viên thỉnh giảng, giáo viên kiêm nhiệm, đó là chưa kể các huấn luyện viên. Đây là lực lượng then chốt trong công tác giáo dục, đào tạo của Công an tỉnh, là những tấm gương sáng về sự chuẩn mực, tính mô phạm trong môi trường giáo dục.

Do nhu cầu giảng dạy và học tập ngày càng lớn, trong khi số lượng giáo viên ít, những giáo viên có thâm niên công tác lâu năm đã nghỉ hưu nên công tác đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài liên kết đào tạo với các trường Học viện Cảnh sát, Cao đẳng Cảnh sát nhân dân, mở các lớp đại học vừa học vừa làm và đào tạo trình độ trung cấp Công an xã, đào tạo tiếng Lào, Mông, giáo dục quốc phòng..., hàng năm, Trung tâm còn mở các khóa huấn luyện công dân phục vụ có thời hạn, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trưởng, phó Công an xã, Công an viên, nghiệp vụ điều tra viên.

Vì số lượng lớp học nhiều nên công việc của đội ngũ giáo viên cũng vô cùng vất vả. Để đảm bảo thời gian và chất lượng các giờ lên lớp, trước hết họ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, sau đó mới sắp xếp công việc để giảng bài. Ngoài tài liệu sẵn có của Bộ Công an, các thầy phải không ngừng tìm hiểu nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Trong 40 năm công tác, Thượng tá Hoàng Trọng Đống, Phó Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã có hơn 11 năm đứng trên bục giảng. Năm 2004, khi Công an tỉnh có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho lực lượng Công an xã và bảo vệ dân phố, được sự phân công của lãnh đạo, anh trở thành thầy giáo. Từ đó đến nay, anh đã biên soạn giáo trình và trực tiếp giảng dạy hàng nghìn lớp học, từ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đối tượng 3 (trưởng, phó phòng các ban, ngành cấp tỉnh), lực lượng Công an chính quy, Công an xã, bảo vệ dân phố đến chiến sỹ nghĩa vụ.

Dạy học 8 năm nhưng mãi đến năm 2012, anh mới chính thức được cử đi đào tạo nghiệp vụ sư phạm, khi Bộ Công an mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo chuyên đề cho giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy kiến thức về ANTT. Những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác đã được anh vận dụng, đưa vào bài giảng một cách sinh động, tạo nên sự cuốn hút với học viên. Sự đam mê và tinh thần lao động nghiêm túc đã giúp anh tìm ra những phương pháp dạy phù hợp.

Thầy Đống chỉ là một trong rất nhiều thầy giáo giàu kinh nghiệm và có nhiều cống hiến trong công tác giáo dục của Công an tỉnh, như thầy Đinh Bạt Cẩm, thầy Nguyễn Thiện Quế... Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình giảng dạy là huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ngành ngoài được tuyển dụng vào CAND và công dân phục vụ có thời hạn trong CAND. Dưới sự huấn luyện nghiêm khắc cùng với sự quan tâm, động viên của các huấn luyện viên, các học viên của khóa huấn luyện công dân phục vụ “ra lò” đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông võ thuật, yêu ngành và có khả năng phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an. Trên thao trường huấn luyện, dù ngày nắng hay mưa, những người thầy vẫn tận tụy, tập trung uốn nắn từng động tác võ thuật cho học viên.

Người ta vẫn ví nhà giáo như người lái đò chở bao thế hệ học trò qua sông. Những người thầy trong lực lượng Công an cũng không phải là ngoại lệ. Với họ, đó vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao mà ngành giao phó. Để rồi sau mỗi ngày làm việc, khi màn đêm buông xuống, họ lại miệt mài bên trang giáo án chuẩn bị cho giờ lên lớp ngày mai. Họ đang từng ngày thắp lên ngọn lửa yêu nghề, truyền đam mê, nhiệt huyết cho các thế hệ học viên, góp phần đào tạo những người lính có bản lĩnh, giỏi chuyên môn, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Huyền Thương

Các tin khác