Văn hóa - Giáo dục
Đạo đức và năng lực là cốt lõi của thành công
(Congannghean.vn)-Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất quan trọng hàng đầu đối với đội ngũ nhà giáo; cũng là nền tảng, động lực để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, xứng danh với nghề cao quý trong xã hội. Bởi vậy, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn hiện nay là việc làm hết sức quan trọng, góp phần xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, nâng cao chất lượng dạy học.
Không phải ngẫu nhiên mà nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất. Nghề giáo góp phần sản sinh ra những nhân tài cho đất nước, những vĩ nhân của dân tộc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang ấy, theo Người, mỗi nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất.
Trong thời gian qua, đội ngũ giáo viên CAND luôn trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ để đào tạo nên các thế hệ CBCS vì nước quên thân, vì dân phục vụ (Trong ảnh: Đại tá Hồ Văn Tứ và Đại tá Lê Khắc Thuyết, Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng hoa chúc mừng Trung tâm HL&BDNV Công an tỉnh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam) - Ảnh: Huyền Thương |
Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, Bác nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình… Người huấn luyện nào tự cho mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người - thế hệ tương lai của dân tộc, vì vậy, không được phép tạo ra “phế phẩm”. Một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình, nhưng, một giáo viên tồi có thể làm hỏng một thế hệ. Vì vậy, có thầy giỏi thì sẽ có phương pháp hay, do đó, sẽ có trò giỏi, còn thầy dạy kém thì khó lấy gì bù đắp nổi.
Nhìn lại nền giáo dục nước nhà, kế thừa và phát huy những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy CNH-HĐH đất nước”. Trong những năm qua, chúng ta đã chú trọng việc “đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học”. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương nhà giáo âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, vẫn còn một bộ phận giáo viên tha hóa về đạo đức, nhân cách. Điển hình như vụ việc giáo viên mầm non hành hạ, đánh đập trẻ chỉ mới vài ba tuổi; thầy giáo lạm dụng học sinh, sinh viên nữ; giáo viên đánh mắng, nhục mạ học sinh; nhiều thầy, cô còn chạy theo thành tích, tham ô tiền quỹ của trường…
Để khắc phục những hạn chế đó, các nhà giáo cần hiểu rõ những giá trị sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, với những luận điểm khoa học thiết thực về phẩm chất của nhà giáo; về xây dựng lòng yêu nghề, yêu người; động lực phát triển của nền giáo dục… Điều này không chỉ để khẳng định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc, mà còn góp phần quan trọng cho thắng lợi của công cuộc hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng với cả nước, ngành GD&ĐT Nghệ An đang vững bước trên con đường đổi mới, chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục; hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành GD&ĐT giai đoạn 2012 - 2020. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tích cực chỉ đạo xử lý giáo viên dôi dư theo hướng hợp lý; đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên giảng dạy ở các cấp học theo hướng thi tuyển để lựa chọn những giáo viên có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu dạy học. Xây dựng và triển khai đề án đào tạo giáo viên chất lượng cao để giải quyết những vấn đề bất cập về chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay…
Có thể thấy, nghề giáo là một nghề được cả xã hội tôn vinh. Vì vậy, họ phải luôn trau dồi, rèn luyện bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn, khơi dậy niềm đam mê học tập, sáng tạo cho học trò; như William Ward đã nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất sắc biết minh họa. Và người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”.
Minh Thụ