Văn hóa - Giáo dục
Người giữ hồn câu ví, giặm
(Congannghean.vn)-Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát dân ca ví, giặm, từ nhỏ, những câu dân ca đã thấm đượm vào tâm hồn chị Cao Thị Lâm (SN 1964) trú tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu từ tiếng hát của bà nội. Và cứ thế, tình yêu với dân ca ví, giặm lớn dần trong chị theo năm tháng.
Lớn lên với những câu ví, điệu hò
Hồi còn nhỏ, ngày nào chị Cao Thị Lâm cũng được nghe những câu hát dân ca ví, giặm của bà nội và bố. Không chỉ chăm chú lắng nghe, chị còn tập tành hát theo và thể hiện rõ niềm yêu thích với từng câu hát. Nhận thấy cháu có giọng hát hay và yêu dân ca nên vào mỗi đêm trăng sáng, bà nội lại dẫn chị Lâm ra con kênh nhà Lê để nghe và học hát. Và cứ thế, tình yêu với những câu ví ngày càng lớn lên trong chị. Tuy còn ít tuổi nhưng vì có khiếu nên chị tiếp thu rất nhanh, tất cả những làn điệu dân ca ví, giặm chị đều thuộc lòng. Trong làng có nghệ nhân Trần Thị Tuyết nhận thấy tố chất và sự đam mê của chị đã nhận chị làm học trò.
Chị Lâm kể cho P.V về những kỷ niệm khi đi biểu diễn dân ca ví, giặm |
Những ngày đầu khi mới tiếp cận với các làn điệu ví, giặm, chị yêu thích đơn giản chỉ vì thấy điệu hát hay, nhưng về sau, chị dần nhận thấy rõ giá trị trong từng câu hát. Những suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm của người dân Nghệ Tĩnh được phản ánh chân thực qua những làn điệu, và qua thời gian, chất dân ca xứ Nghệ đã thấm sâu vào tâm thức của chị. Năm 1980, chị tham gia đội văn nghệ của xã, được học các lớp tập huấn, biểu diễn tại nhiều chương trình, vì vậy có thêm điều kiện để tiếp cận với nhiều làn điệu dân ca ví, giặm. “Càng biết tới nhiều làn điệu, tôi lại thêm đam mê với những câu hát. Bởi nó truyền tải những tâm tư, tình cảm của con người xứ Nghệ đến với mọi người”, chị Cao Thị Lâm tâm sự.
Truyền lửa đam mê
35 năm tham gia đội văn nghệ và các câu lạc bộ, chị đã có mặt tại hàng trăm hội diễn văn nghệ. Nhưng có lẽ 2 lần được thu thanh chương trình dân ca xứ Nghệ để phát trên chương trình đàn và hát dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam vào các năm 1999, 2007 là những kỷ niệm khiến chị nhớ nhất, bởi tiếng hát của chị đã đưa những làn điệu dân ca đậm chất Nghệ đến với người dân cả nước.
Từ niềm đam mê với những làn điệu dân ca, chị luôn suy nghĩ phải làm sao để truyền ngọn lửa ấy cho mọi người. Nhiều người dân trong làng, xã cũng yêu thích những câu hò, điệu ví nhưng lại không có người dạy. Được sự đồng ý của chính quyền xã, chị Lâm đã cùng với những người yêu dân ca thành lập câu lạc bộ dân ca ví, giặm vào năm 2012. Lúc đó, thành viên nhỏ nhất mới 9 tuổi, còn người già nhất cũng đã ngoài 60.
Trong câu lạc bộ, chị là người chịu trách nhiệm truyền dạy những làn điệu cho các thành viên. Trong số đó, có một học sinh khiến chị rất ấn tượng là cháu Vũ Thị Yến Nhi, mới 11 tuổi. Tuy còn nhỏ nhưng Yến Nhi đã thể hiện rõ năng khiếu và tình yêu với những câu hò, điệu ví. Tháng 8/2013, Yến Nhi đạt giải Nhất Hội thi dân ca Nghệ An - Hà Tĩnh. Đây chính là động lực để chị Lâm tiếp tục “nghiệp” truyền dạy dân ca cho mọi người.
Ngoài dân ca ví, giặm, chị Lâm còn tham gia trình diễn ca trù từ năm 2002 và đến nay, đã có thể tham gia truyền dạy ca trù trong các câu lạc bộ ca trù của huyện và tỉnh. Chị đã tham gia nhiều chương trình, hội thi và đạt nhiều giải cao, năm 2013, được Hội Văn học dân gian Việt Nam phong tặng Nghệ nhân dân gian dân ca xứ Nghệ. Và phần thưởng lớn nhất đối với chị đó là, ngày 23/11/2015, chị được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”.
Phương Thủy