Văn hóa - Giáo dục
Cần sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường
(Congannghean.vn)-Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thái độ của học sinh theo hướng tích cực. Qua đó giúp học sinh nhanh chóng hòa nhập và khẳng định vị trí của bản thân trong tập thể và xã hội.
Ngay từ khi mới sinh ra, con người đã được học kỹ năng sống. Từ khi biết nói, cha mẹ đã dạy cho trẻ ngôn ngữ giao tiếp. Đó là kỹ năng giao tiếp đầu đời. Lớn lên, khi trẻ đến trường, mối quan hệ xã hội được mở rộng khi các em được làm quen, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô. Đây là giai đoạn mà trẻ cần được rèn luyện các kỹ năng cơ bản để giao tiếp với môi trường xung quanh. Lúc này, các em cần được trang bị các kỹ năng cần thiết khác: Rèn luyện và phát triển thể chất, tự nhận thức, xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để hoàn thiện nhân cách hay các kỹ năng xã hội khác như giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm… Do đó, nếu không được trang bị tốt về kỹ năng sống hay sự định hướng không đúng đắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các em.
Học sinh cần được giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống ngay từ nhỏ |
Theo Luật Giáo dục năm 2005, mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nếu việc dạy chữ giúp các em tiếp thu kiến thức thì phương pháp rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng ứng xử trong mọi tình huống; tạo thói quen và kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hoạt động xã hội. Đồng thời, giáo dục học sinh thói quen rèn luyện sức khỏe, ý thức tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa tai nạn giao thông, đuối nước và các tệ nạn xã hội; rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, ý thức chung sống thân thiện, giải quyết hợp lý các tình huống mâu thuẫn, xung đột.
Trong những năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống tại cơ sở các bậc học mầm non, tiểu học, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tùy theo điều kiện của từng trường, học sinh được học theo dự án, được tạo sân chơi phong phú với những trải nghiệm bổ ích, lý thú.
Tuy nhiên hàng năm, tình trạng bạo lực học đường, học sinh vô lễ, ứng xử thiếu văn hóa với thầy cô, cha mẹ, nhiều học sinh bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục làm điều sai trái, học sinh bị đuối nước trong kỳ nghỉ hè… vẫn còn xảy ra nhiều. Điều này phần nào cho thấy công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chưa hiệu quả. Chính vì vậy, để giúp học sinh nâng cao nhận thức và có hành vi ứng xử đúng mực, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Nếu như nhà trường là nơi định hướng cho học sinh thì gia đình phải là nơi theo dõi các em thực hiện. Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, dạy dỗ con cái. Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo ra nhiều sân chơi bổ ích để học sinh không chán nản, gò bó trong các hoạt động.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống là một nội dung quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh và xuyên suốt quá trình học tập, nhằm giúp các em chuẩn bị hành trang bước vào môi trường hội nhập, đa văn hóa. Vì vậy, để học sinh có nền tảng vững chắc, cần phải giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ khi các em bước vào bậc học mầm non.
Huy Nam