Văn hóa - Giáo dục

Mô hình bán trú dân nuôi: Còn đó những khó khăn

09:20, 19/12/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mùa nắng cũng như mùa mưa, để đảm bảo sinh hoạt, mỗi ngày, sau giờ học, các em học sinh phải lên núi kiếm củi, xuống suối lấy nước. Thương nhất là những ngày đông giá rét, chăn không đủ ấm, áo quần phong phanh và ngủ trên sàn nhưng học sinh ở các trường bán trú dân nuôi vẫn kiên trì bám lớp.

Gieo chữ nơi biên giới Việt - Lào

Từ câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An về những khó khăn, thiếu thốn của thầy và trò các trường bán trú trên địa bàn, chúng tôi đã có chuyến trải nghiệm với các thầy cô và học sinh ở các vùng biên giới đặc biệt khó khăn của Kỳ Sơn (Nghệ An).

Điểm đến đầu tiên là Trường PTDT bán trú THCS Keng Đu, nằm cách huyện lỵ Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An gần 80 km, ở độ cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, cách biên giới Việt - Lào tầm 7 km đường chim bay. Con đường độc đạo từ Huồi Tụ qua Đọoc Mạy, Na Loi đến Keng Đu sau cơn mưa dường như dài hơn, như để thách thức người đi đường. Một bên là vực sâu thăm thẳm, bên kia là núi nên chỉ cần lạc tay lái là lao ngay xuống vực sâu. Sau hơn 3 giờ “vật lộn” với cung đường chưa đầy 50 km, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trung tâm xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

 Để có nước sinh hoạt, học sinh bán trú ở Kỳ Sơn phải đi xa 3 km hoặc tận dụng nước mưa, nước sương
Để có nước sinh hoạt, học sinh bán trú ở Kỳ Sơn phải đi xa 3 km hoặc tận dụng nước mưa, nước sương

Thầy giáo Ngô Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường đón chúng tôi với ánh mắt đầy cảm thông, chia sẻ: “Để vào được Keng Đu những ngày mưa, thầy cô bám bản tại đây có hôm phải lấy xích sắt quấn quanh lốp xe để đề phòng trơn trượt, rơi xuống vực sâu. Cũng chẳng ai dám ra vào Keng Đu một mình, các thầy cô phải đi thành từng tốp để tiện hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên những cung đường khó”.

Vào cuối năm 2010, một thầy giáo trên đường từ trường về trung tâm Mường Xén đã bị mất lái, xe lao xuống vực sâu ở Phà Đánh nhưng may mắn là bảo toàn được tính mạng. Thầy Tuấn cho biết, ở Keng Đu, bản xa nhất cách trường 15 km đường chim bay, phải đi bộ nửa ngày đường nên tình trạng học trò bỏ học vẫn xảy ra. Để kêu gọi các em trở lại trường, các thầy cô phải “cơm đùm cơm nắm” vào tận nhà vận động phụ huynh ký cam kết không để con em bỏ học.

Vào các buổi trưa, học trò Keng Đu không được nghỉ ngơi mà phải mang theo dáo, mác lên rừng để kiếm củi về sưởi ấm vào ban đêm, xuống suối lấy nước đưa về để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, trong gian khổ, thiếu thốn, ánh sáng của con chữ vẫn được những người thầy nhen nhóm và trao truyền cho từng lớp học trò ở nơi vùng biên xa xôi. Đến giờ, bà con dân bản vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện của thầy giáo Cụt Văn Tiến, dù phải sống trong ngôi nhà tạm nhưng vẫn cưu mang 3 học trò để các em tiếp tục hành trình tìm kiếm con chữ.

Sự học ở nơi biên cương giá rét

Rời vùng biên khi ánh chiều đã tắt, màn sương dày đặc sà xuống như níu chân người đến độ cách nhau 10 m cũng khó nhận ra. Chúng tôi quyết định nghỉ qua đêm ở Huồi Tụ để cùng các em học sinh “cảm nhận” cái lạnh tê tái ở 1 trong 4 điểm giá buốt nhất của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Chúng tôi ăn “tạm” bữa cơm chiều muộn cùng các thầy cô ở Trường PTDT bán trú THCS Huồi Tụ. Đêm ở trường bán trú vắng lặng đến lạ kỳ, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 50C nên ai cũng đóng cửa đi ngủ sớm. Nửa đêm, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng động của các thầy cô ở ký túc xá trở dậy để khắc phục phòng ở của một cô giáo bị dột, dù không phải mưa mà chỉ là sương đêm nhưng vẫn làm ướt đẫm cả một góc bàn ghế, giáo án.

Học sinh bán trú ở Huồi Tụ phải ngủ trên sàn gạch trong mùa đông
Học sinh bán trú ở Huồi Tụ phải ngủ trên sàn gạch trong mùa đông

Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, giá rét như vậy nhưng 391 học sinh ở 14 lớp học của nhà trường đang ở bán trú vẫn phải trải chiếu nằm sàn, áo không đủ mặc, chăn không đủ ấm. Trước đây, phụ huynh có làm sạp gỗ để các em nằm, nhưng sau phải bỏ đi do không đảm bảo.

Huồi Tụ là xã nghèo, phần lớn học sinh đều là con em các gia đình nghèo, mỗi gia đình chỉ có một chiếc chăn ấm nên vào mùa đông, nhiều em không có chăn để đưa đến trường. Áo mặc cũng vậy, giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt, nhiều em đến lớp trong tình cảnh phong phanh.

Không chỉ riêng chuyện ăn, chuyện mặc, học sinh bán trú nơi đây còn phải tự túc mọi chuyện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, các em phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, đi bộ xuống suối cách trường gần 3 km để lấy nước sạch về dùng.

Em Lầu Bá Hồng, học sinh lớp 8D, trú tại bản Phà Xắc, cách điểm trường PTDT bán trú THCS Huồi Tụ 10 km cho biết, vì nhà nghèo nên khi đến lớp, em không có áo ấm để mặc, ban đêm phải nằm sàn gạch trong khi chăn lại không đủ ấm nên không ngủ được. Trong khi đó, em Và Y Rìa, học sinh lớp 8C cho biết, dù có 2 chiếc áo ấm nhưng vẫn không đủ để xua tan cái lạnh. Em mơ ước có một chiếc giường tầng để ngủ ngon giấc. Được biết, hiện nay, nhà trường mới chỉ có 22 phòng bán trú, mỗi phòng từ 13 - 14 học sinh nên rất chật chội.  

Thầy Lê Văn Phương, giáo viên thể dục, người đã có thâm niên 15 năm cắm bản ở Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: Không riêng gì Huồi Tụ mà gần như ở tất cả các xã, đặc biệt là các xã biên cương, cuộc sống của học sinh bán trú đều rất khó khăn, vất vả. Phần lớn các bản đều cách xa trường học, hoàn cảnh gia đình các em còn thiếu thốn nên chế độ bán trú, nuôi ăn, nuôi ở còn nhiều khó khăn. Dù vậy, thầy và trò Trường PTDT bán trú THCS Huồi Tụ vẫn cố gắng khắc phục để dạy tốt, học tốt.

Năm 2015, nhà trường có 1 học sinh đạt giải Nhì cấp tỉnh và 6 học sinh giỏi cấp huyện. Cũng trong năm học vừa qua, có 2 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh và 11 giáo viên giỏi cấp huyện. Đây thực sự là thành tích đáng khâm phục trong hành trình “dạy chữ, dạy người” ở Huồi Tụ, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh thầm lặng của đội ngũ giáo viên cắm bản, mô hình bán trú dân nuôi ở Kỳ Sơn nói riêng và các huyện miền núi nói chung ngày càng có nhiều khởi sắc.

Thống kê cho thấy, tỉ lệ học sinh miền núi bỏ học qua từng năm giảm hẳn, nếu có thì chủ yếu rơi vào nhóm di dịch cư hoặc bỏ vào các tỉnh miền Nam mưu sinh theo gia đình. Cùng với đó, nạn tảo hôn tuy vẫn còn xảy ra nhưng có dấu hiệu giảm nhiều theo thời gian. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Điều này được chứng minh bằng việc, hàng năm có rất nhiều học sinh từ các bản làng xa xôi về thị trấn Mường Xén để theo học cấp THPT; nhiều bản có con em học đại học, cao đẳng. Và điều đặc biệt là, nhiều người trong số đó sau khi tốt nghiệp đã quay trở về quê hương, giúp bà con phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Thiên Thảo

Các tin khác