Văn hóa - Giáo dục
Duyên nợ với 'nàng Kiều'
(Congannghean.vn)-Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du được đánh giá là sản phẩm văn hóa quý báu của dân tộc. Không chỉ vậy, đó còn là di sản văn hóa của thế giới. Ở TP Vinh, 7 năm nay, có một nhóm người yêu mến truyện Kiều thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, đàm đạo về những câu Kiều...
Mối duyên với truyện Kiều
Chúng tôi hẹn gặp nhóm Cà phê Kiều với mong muốn được tham gia một buổi sinh hoạt của nhóm, nhưng thật đáng tiếc, vì các thành viên mới tổ chức gặp mặt trước đó vài ngày nên không thể tập trung ngay.
Ông Nguyễn Quang Hoài, Trưởng nhóm giải thích: “Thành viên nhóm Cà phê Kiều phần lớn là những cụ ở độ tuổi xưa nay hiếm. Vì 2 tháng mới sinh hoạt một lần nên việc tập trung bất thường cũng không dễ”. Dù vậy, trong câu chuyện với hai thành viên của nhóm tại một quán cà phê rất “Kiều”, chúng tôi đã phần nào cảm nhận được tình cảm, sự mến mộ mà các cụ đã “trót” dành trọn cho “nàng Kiều”.
Hai thành viên trong nhóm mà chúng tôi tìm gặp là ông Nguyễn Quang Hoài, nay đã ngoài 80 tuổi, nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Chính (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) và ông Phạm Hữu Huệ cũng ngoài 80 tuổi, nguyên là cán bộ một ngân hàng trên địa bàn. Bên ly cà phê vào một chiều mưa, tôi được nghe kể về cơ duyên thành lập nhóm.
Hai ông Nguyễn Quang Hoài và Phạm Hữu Huệ chia sẻ về nhóm Cà phê Kiều |
Vào ngày 12/11/2008, tại Chung cư Quang Trung, xuất phát từ niềm đam mê với truyện Kiều và ngưỡng mộ tâm tài toàn vẹn của Đại thi hào Nguyễn Du, những cán bộ hưu trí sinh sống tại đây đã quyết định thành lập nhóm Cà phê Kiều. Thành viên là những người hưu trí, không phân biệt ngành nghề, từ bộ đội, giáo viên, thợ thủ công đến thầu xây dựng, miễn là có chung đam mê với những câu Kiều.
Theo ông Hoài, người ít tuổi nhất của nhóm hiện nay là cô Nguyễn Thị Minh Khai (khoảng 50 tuổi), còn thành viên nhiều tuổi nhất là cụ Nguyễn Trường Phiệt, bút danh Cương Dân đã ngoài 90. Ngành nghề khác nhau, độ tuổi cũng chẳng giống nhau nhưng nhóm vẫn được thành lập và phát triển vì có chung niềm “Thương người con gái ngoan hiền/Từ Bắc Kinh dạt xuống miền Giang Nam”.
Người sáng lập nhóm Cà phê Kiều là ông Trần Xuân Kình (82 tuổi), nguyên Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn nửa đời người, ông Kình tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dù rất đam mê và am hiểu văn hóa của dân tộc nhưng ông chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu. Chỉ đến khi nghỉ hưu, ông Kình mới có thời gian để thỏa ước niềm đam mê.
Từ lâu đã biết đến giá trị văn hóa, tinh thần to lớn của Truyện Kiều nhưng do chưa có điều kiện tiếp cận nguyên vẹn tác phẩm nên ông đã sang nhà hàng xóm là Nguyễn Quang Hoài để nhờ giảng giải thêm, vì ông Hoài nguyên là giáo viên dạy Văn. Cùng có chung niềm yêu mến truyện Kiều, ông Trần Huy Cận ở nhà gần bên cũng thường xuyên đến tham gia đàm đạo. Bởi các cụ nói rằng Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta”, vậy nên chưa hiểu rõ về truyện Kiều là “có nợ” với đất nước và cả Đại thi hào Nguyễn Du. Nhờ có truyện Kiều, các cụ mới có dịp ngồi lại với nhau, đó chính là duyên. Và vì có duyên, có nợ, ba cụ cùng thích cà phê và mê truyện Kiều đã bàn nhau thành lập nhóm “Yêu Kiều”, đặt tên nhóm là Cà phê Kiều.
Giữ hồn câu Kiều
Được biết, nhóm Cà phê Kiều được thành lập trước Hội Kiều học của nước ta 3 năm. Không những thế, nhóm còn được Hội Kiều học đánh giá cao. Ở nước ta hiện nay mới chỉ có 2 hội Kiều, đó là nhóm Cà phê Kiều và Câu lạc bộ thơ Vườn Kiều ở tỉnh Đồng Nai. Ngày 6/12 vừa qua, Hội Kiều học Việt Nam đã về gặp gỡ và quay phim về nhóm Cà phê Kiều để làm phim Truyện Kiều xưa và nay.
Ngày đầu thành lập, nhóm chỉ có 3 thành viên, về sau, càng có thêm nhiều người mê Kiều biết và tìm đến, nay đã quy tụ được 22 người. Các thành viên trong nhóm Cà phê Kiều phần lớn đều đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai huy” nhưng hầu hết buổi sinh hoạt nào cũng đều có mặt đầy đủ. Có những cụ luôn trông chờ đến ngày sinh hoạt để được cùng đàm đạo với những người bạn Kiều vài câu thơ mà mình chưa rõ.
Trước đây, mỗi tuần các cụ sinh hoạt một buổi, nhưng sau vì lý do sức khỏe nên chỉ tổ chức mỗi tháng một lần và nay là 2 tháng một lần. Mỗi buổi sinh hoạt đều có những nội dung cụ thể, do ông Hoài chịu trách nhiệm. Ông cũng được mệnh danh là linh hồn của nhóm, bởi trí nhớ tốt và hiểu biết sâu sắc về truyện Kiều. “Nhóm ít người thế thôi nhưng có cả bài “Nhóm ca”, ca khúc “Hát về nhóm cà phê Kiều” do một thành viên của nhóm sáng tác, được cả nhóm hát khi mở đầu buổi sinh hoạt”, ông Phạm Hữu Huệ, một thành viên của nhóm chia sẻ thêm.
Mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên nêu ý kiến và đánh giá của mình về nội dung của những câu thơ trong truyện Kiều, sau đó sẽ được tập hợp thành sách. Đến nay, đã có hơn 100 bài tham luận của các thành viên, trong đó có 13 bài đã được gửi ra Hội Kiều học Việt Nam và được Hội đánh giá cao. Trong đó, tiêu biểu như các tác phẩm nghiên cứu: “Chữ trinh đối với các nhân vật trong truyện Kiều” và “Muôn nỗi chàng Kim”, dày 3 tập của ông Nguyễn Quang Hoài, “Tám lần Kiều đánh đàn” của ông Nguyễn Văn Lộc, “Ý nghĩa từ “hoa” trong truyện Kiều” của ông Trần Xuân Kình, “Ánh chiều và trăng trong truyện Kiều” của ông Phạm Hữu Huệ…
Truyện Kiều có 3.254 câu thơ. Trải qua bao thế hệ, với số lượng lớn học giả, văn nhân, trí thức, truyện Kiều vẫn có sức hấp dẫn, mê hoặc kì lạ. Nhóm Cà phê Kiều cũng vậy, các cụ chia sẻ rằng, càng tìm hiểu, họ lại càng mê, mà đã mê lại càng muốn tìm hiểu. Chẳng phải nhà nghiên cứu nhưng với chung niềm đam mê Kiều, cảm thương số phận nàng Kiều, các cụ đã dành nhiều thời gian và tâm huyết với mong muốn hiểu và cảm được phần nào tâm tư của cụ Nguyễn Du qua mỗi câu thơ. Trước lúc chia tay, ông Phạm Hữu Huệ đã đọc tặng chúng tôi 4 câu thơ được coi như tuyên ngôn của nhóm:
“Nhóm chúng tôi tuổi đã nhiều
Vẫn say nghe kể truyện Kiều ngày xưa
Thương người con gái nết na
Bán mình để cứu người cha tội tình”.
Phương Thủy