Văn hóa - Giáo dục
Tình người nơi lớp học Trại giam
(Congannghean.vn)-Từ nhiều năm nay, Trại giam số 3 đóng trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã mở lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân đang trong quá trình thụ án. Lớp học không phân biệt tuổi tác, với những phạm nhân chưa biết chữ. Thầy cô giáo cũng là những người không chuyên, vậy nên, việc dạy học xuất phát từ tấm lòng với phạm nhân, nhằm hướng họ đến cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Nét chữ hướng thiện
Lớp học quy tụ “học sinh” ở mọi độ tuổi, từ trẻ đến già, từ Bắc chí Nam, với đủ các thành phần dân tộc. Điểm chung duy nhất của họ là đều “mù chữ” và mang trên mình bộ quần áo phạm nhân. Vào giờ học, ai cũng chăm chú lắng nghe giảng bài và nắn nót từng nét chữ dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô. Thầy đọc trước từng chữ rồi gõ nhịp cho trò đọc theo, những tiếng gõ cứ vang lên đều đặn và những ánh mắt cùng hướng lên tấm bảng, ánh lên niềm tin tươi sáng về tương lai.
Phạm nhân Sùng A Sô (60 tuổi) vào trại từ tháng 3/2014 và đang thụ án 20 năm vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Dù khá căng thẳng nhưng phạm nhân Sô luôn tập trung nghe thầy giáo giảng giải ý nghĩa từng con chữ, vì tiếng Kinh của ông chưa sõi. “Tôi chưa từng được đi học nên không biết chữ, nếu có việc gì thì điểm chỉ thôi. Cũng vì không biết chữ nên bị kẻ xấu rủ rê làm điều trái pháp luật, nay vào Trại giam được các thầy dạy chữ nên đã biết viết tên của mình. Tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để có cơ hội làm lại cuộc đời”, A Sô chia sẻ.
Lớp học xóa mù chữ tại Trại giam số 3 |
Phần lớn các “học sinh” trong lớp là người đồng bào dân tộc thiểu số, vì không được đi học, trình độ dân trí thấp, hiểu biết và nhận thức pháp luật hạn chế nên dẫn đến phạm tội. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt, phạm nhân là người thành phố nhưng lại không biết chữ.
Lớp học đợt này có phạm nhân Nguyễn Xuân Tiến (54 tuổi) trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đang thụ án vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngày vào Trại giam, “một chữ bẻ đôi” Tiến cũng không biết. Trong quá trình thụ án, người thân viết thư hỏi thăm, Tiến không đọc được và cũng không thể viết thư trả lời. Bởi vậy, khi nghe cán bộ quản giáo thông báo có lớp học xóa mù chữ, Tiến đã xung phong đi học.
Phạm nhân này tâm sự: “Tôi háo hức đi học lắm, học là để biết chữ, để đọc và viết thư cho gia đình. Mấy đứa con tôi thấy bố biết đọc, biết viết cũng rất vui, chúng mong bố học chữ để nâng cao hiểu biết, từng bước làm lại cuộc đời”.
Ngày khai giảng, lớp học có 24 phạm nhân tham gia, nhưng tính đến thời điểm này chỉ còn lại 19 “học sinh”. Nguyên nhân là do một số phạm nhân chuyển Trại giam, một số khác hết thời hạn chấp hành án phạt tù. Những “học sinh” còn lại, mỗi người một tội danh nhưng phần lớn vì không biết chữ, không có công việc ổn định nên đã “dính chàm”. Nhưng tất cả đều có niềm tin rằng, học chữ và cải tạo tốt sẽ giúp họ sớm trở về với gia đình và làm lại cuộc đời mới tốt đẹp hơn.
Tình thầy trò nơi Trại giam
Hàng năm, tại Trại giam số 3, ngoài các lớp học về chính trị, pháp luật, thời sự và giáo dục công dân được tổ chức cho tất cả phạm nhân nói chung và phạm nhân mới nhập trại, sắp hết thời gian chấp hành án trở về với cộng đồng nói riêng, đơn vị còn phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ tổ chức lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân.
Mỗi năm, đơn vị tổ chức từ 1 - 2 lớp học xóa mù chữ, kéo dài từ 6 - 9 tháng, trung bình mỗi ngày học 4 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, các phạm nhân sẽ được bổ túc những kiến thức cơ bản của môn Toán và Tiếng Việt. Sau khi hoàn thành, “học sinh” phải thi sát hạch cuối kỳ, nếu vượt qua, sẽ được cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ”.
Lớp học do các cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ của Trại giam trực tiếp giảng dạy. Ngoài công việc chuyên môn, họ dành thời gian tìm hiểu các phương pháp dạy, soạn giáo án cho những “học sinh” đặc biệt. Đại úy Nguyễn Bá Đường, cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết: “Vì lớp học có nhiều thành phần, từ trẻ đến già, cả người Kinh lẫn người dân tộc thiểu số nên chúng tôi phải tìm cách truyền tải kiến thức phù hợp để phạm nhân dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Thời gian đầu gặp khá nhiều khó khăn vì đa số phạm nhân là người lớn tuổi, mới học chữ nên việc tiếp thu còn khá chậm. Nhưng bù lại, tinh thần hăng hái, ham học của các phạm nhân đã tạo động lực để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trung tá Phạm Mạnh Quê, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết thêm: “Xuất phát từ thực tế trước đây, nhiều phạm nhân khi nhập trại không biết ký tên và đọc thư người thân nên chúng tôi nảy sinh ý tưởng mở lớp xóa mù chữ cho họ. Cũng không ngờ rằng, ý tưởng này lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía các phạm nhân. Họ đã bày tỏ niềm xúc động và sự biết ơn chân thành với các cán bộ là những thầy giáo không chuyên. Điều này làm chúng tôi ấm lòng vô cùng”.
Thiết nghĩ, việc mở lớp dạy văn hóa cho phạm nhân trong trại giam là một trong những việc làm quan trọng và cần thiết trong quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân trở thành công dân tốt. Thông qua việc học văn hóa, các phạm nhân hiểu rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc tổ chức những lớp học xóa mù chữ là việc làm thể hiện tính nhân văn đối với những người đang chấp hành án phạt tù tại trại giam. Dù các phạm nhân đang phải trả giá cho những hành động phạm pháp của mình nhưng họ vẫn luôn nhận được sự cảm thông, quan tâm, chia sẻ của cả cộng đồng để mở cánh cửa hoàn lương. Ở đó không còn khoảng cách giữa phạm nhân và cán bộ, chỉ còn ánh sáng của tình người, tình thầy trò. Đó chính là ngọn đèn dẫn lối để những con người từng một thời lầm lỗi bước qua bóng tối của quá khứ, phấn đấu cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, xã hội.
Phương Thủy