Văn hóa - Giáo dục
Giúp học sinh đọc thông, viết thạo
(Congannghean.vn)-Việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục (CNGD) được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An triển khai thực hiện tại một số trường từ năm học 2013 - 2014. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Vụ Giáo dục tiểu học cộng với sự nỗ lực của toàn ngành, việc dạy theo phương pháp này đã đem lại nhiều kết quả khả quan, giúp học sinh đọc thông, viết thạo.
Thực hiện Quyết định 2069/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu CNGD, từ năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT Nghệ An đã triển khai thực hiện tại các trường tiểu học. Từ 232 trường đăng ký ban đầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 559/562 trường triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu CNGD.
Theo kết quả kiểm tra sau năm học 2013 - 2014, năm học đầu tiên thực hiện dạy học Tiếng Việt 1 theo tài liệu CNGD ở 232 trường với 22.271 học sinh cho thấy, có 22.022 học sinh đạt loại trung bình trở lên (chiếm 96,7%). Loại giỏi là 10.923 em (chiếm 48%), loại khá 6.785 em (chiếm 29,8%), những con số này cao hơn so với học sinh học theo tài liệu hiện hành.
Học sinh được phân tích âm, vần qua các thao tác tay, tạo sự hứng thú nhờ việc dạy học Tiếng Việt 1 theo tài liệu CNGD |
Phương pháp dạy học Tiếng Việt 1 theo tài liệu CNGD bao gồm 4 nội dung: Học vần, viết, đọc và viết chính tả. Đây là công trình nghiên cứu của Giáo sư - Tiến sỹ Hồ Ngọc Đại, Viện Công nghệ giáo dục Việt Nam. Theo nhiều giáo viên, dạy học theo CNGD giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm Tiếng Việt và luật chính tả; đồng thời đọc thông, viết thạo, phát âm chuẩn. Từ đó, giúp học sinh bỏ thói quen học vẹt, hạn chế những sai sót trong chính tả. Ngoài ra phương pháp mới còn giúp các em làm đúng theo sự hướng dẫn và hiệu lệnh của giáo viên.
Thay vì chỉ được đánh vần, học sinh còn được phân tích âm, vần qua các thao tác tay và các hoạt động phụ trợ khác, tạo sự hứng thú, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, đồng thời tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, tạo ra sản phẩm mới từ những kiến thức được học. Không chỉ vậy, dạy học theo CNGD còn giúp giáo viên nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực “thầy thiết kế - trò thi công”, nắm vững kỹ thuật dạy theo hướng tích hợp, lấy học sinh làm trung tâm.
Việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cũng trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn, đa số các thao tác đều có trong thiết kế bài giảng, giáo viên chỉ cần thực hiện đúng, đủ quy trình trong sách thiết kế.
“Phương pháp học nào cũng đồng thời tồn tại cả ưu và nhược điểm. Qua quá trình theo dõi công tác dạy và học trong các tiết học cũng như các tiết dự giờ, tôi nhận thấy, việc dạy học Tiếng Việt 1 theo tài liệu CNGD giúp học sinh nắm vững kiến thức bài học, rèn cho các em kỹ năng đọc thông, viết thạo. Tuy nhiên, việc dạy học chủ yếu thiên về cấu tạo âm thanh, chữ viết mà chưa chú trọng về ngữ nghĩa nên khi ghép âm, nhiều học sinh ghép những âm ghép vô nghĩa, không có trong từ điển Tiếng Việt.
Mặt khác, chương trình học giữa bậc mầm non với bộ môn Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu CNGD về hệ thống bảng chữ cái, cách phát âm không đồng nhất, dẫn đến tình trạng học sinh bỡ ngỡ khi học theo tài liệu CNGD”, cô Phạm Thị Hồng Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Sơn, TP Vinh cho biết. Theo cô, để đạt được kết quả cao trong dạy học Tiếng Việt 1 theo tài liệu CNGD, giáo viên đứng lớp phải bao quát được toàn bộ học sinh, không nên chú trọng vào một nhóm, sau mỗi tiết học, phải nắm bắt được từng học sinh còn yếu kém ở phần nào để tiếp tục hướng dẫn, bổ trợ.
Đồng thời, giáo viên không nên chỉ dạy theo quy trình trong sách giáo khoa mà phải vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, biết tạo sự hứng thú của học sinh đối với môn học thông qua việc sáng tạo các cách dạy hay, phù hợp với thực tế năng lực của học sinh.
Đặng Duyên