Văn hóa - Giáo dục

Cần nhiều chính sách đãi ngộ dành cho nghệ nhân lâu năm

08:49, 15/12/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những nghệ nhân lâu năm chính là “báu vật nhân văn sống”, những truyền nhân cuối cùng nắm giữ tinh hoa, hồn cốt những giá trị di sản mà ông cha để lại. Thế nhưng, nhiều năm qua, vì chưa có chế độ đãi ngộ cụ thể để hỗ trợ nghệ nhân phát huy tài năng, sự sáng tạo nên họ đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi với những lo toan “cơm áo, gạo tiền”.

“Báu vật nhân văn sống” là danh hiệu cao quý do UNESCO đưa ra và được nhiều nước trên thế giới thực hiện nhằm tôn vinh các nghệ nhân dân gian, với mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể. Họ chính là những chủ thể văn hóa, vừa trình diễn, truyền dạy, vừa có công gìn giữ và phát triển các giá trị di sản.

Trong những năm trở lại đây, nhiều loại hình văn hóa truyền thống của Việt Nam liên tiếp được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điển hình như: Quan họ, hát xoan, ca trù, đờn ca tài tử và gần đây nhất là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Những di sản văn hóa của nước ta đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp quản lý, các nhà nghiên cứu và nhân dân. Thế nhưng, những “báu vật nhân văn sống” vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nghệ nhân lâu năm đang chịu nhiều thiệt thòi do chưa có chính sách đãi ngộ (Ảnh minh họa)
Nghệ nhân lâu năm đang chịu nhiều thiệt thòi do chưa có chính sách đãi ngộ (Ảnh minh họa)

Hiện nay, theo thống kê, cả nước có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu, 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số, 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp nên phần lớn không phải là đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Nhiều nghệ nhân dù tuổi đã cao nhưng đang phải chật vật với cuộc sống mưu sinh. Nhiều người “giữ lửa” cho các di sản văn hóa phi vật thể giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm nên không còn nhiều thời gian để chờ đợi các chính sách đãi ngộ. Trong khi Việt Nam đã có nhiều di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hiện đang tiếp tục trình UNESCO hồ sơ nhiều di sản khác.

Chính sách đãi ngộ các nghệ nhân liên quan đến các di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm của cả xã hội từ lâu nay. Điều này đã được ngành văn hóa bắt tay triển khai từ chục năm trước nhưng qua thời gian dài vẫn chưa hoàn thành, trong đó có nguyên nhân vì thiếu sự thống nhất và đồng thuận từ giới chuyên môn, các nhà quản lý và những người thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể.

Thậm chí đến nay, dù nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt nhưng những băn khoăn xung quanh việc tổ chức xét chọn, thực hiện chính sách đãi ngộ vẫn chưa được giải đáp. Công tác tôn vinh, chế độ đãi ngộ nghệ nhân cho đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn…

Vừa qua, việc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần không nhỏ trong việc đưa loại hình nghệ thuật này đến với công chúng trong và ngoài nước. Vì vậy, ngay sau đó, Việt Nam đã cam kết thực hiện chương trình hành động để bảo tồn sức sống của dân ca ví, giặm và triển khai thực hiện các chính sách nhằm tôn vinh các nghệ nhân. Đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục gìn giữ và bảo tồn hồn cốt của di sản cũng như những “báu vật nhân văn sống”.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh việc phối hợp để những chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian sớm được triển khai. Có như vậy, các nghệ nhân mới yên tâm cống hiến, truyền dạy và lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc cho thế hệ sau, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển hài hòa, đậm đà bản sắc dân tộc.

Minh Thụ

Các tin khác