(Congannghean.vn)-Mang nhiều màu sắc, thể hiện rõ nét đặc trưng của các vùng miền, đêm chung kết Liên hoan Dân ca Việt Nam được tổ chức tại Nghệ An đúng vào dịp kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015) đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
Liên hoan Dân ca Việt Nam được tổ chức hai năm một lần nhằm tìm kiếm, phát hiện và gìn giữ các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ và nguyên thể, mang tính đặc trưng của các vùng miền. Năm 2015, sau vòng loại Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ VI được tổ chức tại các khu vực: Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, khu vực vùng núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Ban tổ chức đã chọn ra 16 tiết mục xuất sắc của 12 đoàn với hơn 100 nghệ nhân đại diện cho các vùng miền tham gia đêm chung kết. Liên hoan đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân trong cả nước, đặc biệt là các nghệ nhân trực tiếp gìn giữ, phát huy những làn điệu dân ca của dân tộc.
Ấn tượng tiết mục “Trai phường Chài, gái phường Vải” của đoàn Nghệ An |
Nhạc sĩ, NSƯT Lương Nguyên, Cố vấn chương trình, thành viên Hội đồng Ban giám khảo cho biết: “Không thể nói hết sự phong phú, đa dạng của các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Dân ca năm nay. Tại các vòng thi khu vực, tôi thật sự ấn tượng bởi màn trình diễn đầy màu sắc của các nghệ nhân. Đêm chung kết là dịp để giới thiệu những tiết mục đặc sắc tại các cụm thi ở khu vực. Tiêu chí hướng đến là đưa dân ca địa phương dưới dạng nguyên bản đi theo lối hát của các nghệ nhân”.
So với những năm trước, Liên hoan Dân ca Việt Nam năm nay có nhiều điểm mới, thể hiện ở các tiết mục mới và nhiều tài năng nghệ nhân được tôn vinh. Có những nghệ nhân tuổi đời còn rất nhỏ, đó là nghệ nhân đến từ tỉnh Hòa Bình, mới 8 tuổi đã hát đồng dao ru con của người Mường làm say đắm lòng người. Có nghệ nhân năm nay đã 82 tuổi ở tỉnh Hải Dương vẫn theo đoàn đi hát xẩm, kéo nhị…
Đêm chung kết quy tụ hơn 100 nghệ nhân, nghệ sỹ đại diện cho 54 dân tộc anh em đã đem đến những tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc mang nhiều màu sắc, đầy ấn tượng. Từ điệu hát then ở Bắc Kạn, hát lượn cọi ở tỉnh Thái Nguyên đến điệu hát xẩm “Giận thương” của tỉnh Hải Dương, rồi về với vùng Bắc Trung Bộ để nghe câu hò ví, giặm “Trai phường Chài, gái phường Vải” của đoàn Nghệ An, nghe câu hát chầu văn của Thừa Thiên Huế, vào Tây Nguyên để được hòa mình với tiếng cồng chiêng, đến Nam Trung Bộ để “lắng” mình trước làn điệu dân ca bài chòi và “say” bởi các điệu lý quê hương Nam Bộ...
Có thể nói, những làn điệu dân ca tại Liên hoan Dân ca Việt Nam năm nay thấm đẫm nhân tình, kết tinh từ những nét văn hóa đặc sắc nhất của đời sống tinh thần mỗi dân tộc. Đặc biệt, nhiều thể loại dân ca được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng được biểu diễn trong đêm chung kết như hát quan họ cổ “Thú giải phiền” của tỉnh Bắc Ninh, hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh... Không chỉ hát các làn điệu dân ca, các tiết mục còn được độc tấu, hòa tấu bởi các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc, làm nên nhiều nét mới cho Liên hoan Dân ca.
Kết thúc đêm thi, Ban tổ chức đã trao 10 giải A, 6 giải B và 3 giải phụ gồm: Tiết mục trình diễn ấn tượng nhất, nghệ nhân lớn tuổi nhất và nghệ nhân nhỏ tuổi nhất tham gia đêm chung kết.
.