Bà Nguyễn Thị Am (SN 1933) trong một gia đình có truyền thống văn nghệ nổi tiếng ở làng Hậu Bèo (nay là xã Quỳnh Hậu). Từ lúc 8 tuổi, bà đã được tiếp xúc với làn điệu dân ca ví, giặm qua những câu hò, điệu ví của ông bà nội và người cha của mình. Theo năm tháng, tình yêu dân ca đã lớn lên trong bà và ngày càng trở nên thân thuộc, gần gũi. Cũng từ đó, bà luôn ghi chép và sưu tầm những làn điệu cổ vào cuốn sổ tay dân ca. Đến nay, cuốn sổ tay dân ca của bà đã dày lên theo năm tháng với trên 200 làn điệu đặc sắc như “Thập ân phụ mẫu”, “Ví giặm giận thương”, “Hò đi cấy”, “Mời trầu”…
Điều này cho thấy, Nghệ nhân Nguyễn Thị Am không chỉ có tình yêu đam mê ca hát mà còn có tầm nhìn xa về giá trị trường tồn của những câu hát ví, giặm đặc sắc của quê hương. Giờ đây, khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bà Am cảm thấy rất vinh dự và tự hào về điệu hát quê hương.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Am đang hát dân ca |
Bà tâm sự: “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có âm điệu đặc sắc, gần gũi với đời sống của nhân dân lao động, rất dễ hát và dễ thuộc. Nguồn cảm hứng sáng tác của những làn điệu dân ca cũng từ những buổi đi cấy, đi cày, hoạt động lao động sản xuất của con người, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình thông qua câu hò, điệu ví theo cách hát đối đáp hoặc hát phường, hát hội, hát ghẹo, hát đò đưa...
Hiện nay, dân ca có những sáng tạo thêm cũng rất hay, rất tốt, có thể cải biên từ những nội dung của làn điệu dân ca để tạo dựng những vở kịch đưa lên sân khấu biểu diễn, được khán giả thích thú và tôn vinh thêm vẻ đẹp của câu hát dân ca Nghệ Tĩnh”.
Không chỉ có công sưu tầm những làn điệu, tích hát cũ xưa mà bà còn là thành viên trụ cột của CLB Dân ca xóm 7, xã Quỳnh Hậu. Nhà bà từ lâu đã trở thành nơi các thành viên của CLB gặp gỡ, sinh hoạt, cùng nhau tập luyện các làn điệu, tác phẩm dân ca. Trong những buổi sinh hoạt của CLB, bà Nguyễn Thị Am đã truyền đạt, dạy cho thế hệ sau những làn điệu dân ca ví, giặm mượt mà, đằm thắm và mang tính giáo dục thế hệ trẻ như điệu ví “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “Vẻ đẹp quê hương”…
Ngoài ra, bà còn sáng tác thêm hoặc cải biên một số làn điệu mới để phù hợp với hơi thở cuộc sống đương đại như “Mừng Đảng, mừng xuân”, “Bức tranh nông thôn mới”… Các tác phẩm này đã được bà và các thành viên trong CLB tham gia nhiều hội diễn lớn và dành được những thành tích đáng tự hào. Hiện nay, CLB hát và bảo tồn dân ca ví, giặm xóm 7, xã Quỳnh Hậu đã có hơn 40 thành viên tham gia, trong đó “nghệ sĩ” lớn tuổi nhất trên 80, nhỏ nhất là 8 tuổi.
Một đời gắn bó và luôn cháy bỏng tình yêu dành cho dân ca ví, giặm, ngày 1/7/2013, bà Nguyễn Thị Am đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Và nay, khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã ghi nhận những đóng góp, cống hiến rất lớn của những nghệ nhân nặng lòng với câu hát dân ca như bà Nguyễn Thị Am.